xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ rừng để làm giàu

ĐỨC NGHĨA - HOÀNG PHÚC - TRẦN THƯỜNG

Tổng lượng carbon rừng được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn, nếu bán ra thị trường, mỗi năm thu về hàng ngàn tỉ đồng.

Là một trong những tỉnh đầu tiên nhận được tiền từ việc bán tín chỉ carbon rừng, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay địa phương rất phấn khởi khi nhận được số tiền khá lớn từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng.

Nỗ lực giữ rừng

Cụ thể, số tiền năm đầu tiên tỉnh Quảng Bình được nhận hơn 82 tỉ đồng, đây là nguồn kinh phí lớn tiếp thêm động lực cho các chủ rừng để họ tái thiết, quản lý, bảo vệ và trồng rừng một cách hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống người giữ rừng ở địa phương. "Nguồn thu từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ chi trả về tận tay các chủ rừng bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả đúng với các quy định hiện hành. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị hưởng lợi mở tài khoản và chi trả cho chủ rừng đúng với diện tích mình được nhận trong việc bán "không khí" qua hệ thống ngân hàng. Đây là niềm vui cho những hộ dân là chủ rừng trong nay mai" - ông Lâm nhìn nhận.

Có được thành quả đầu tiên này chính là nhờ vào nỗ lực của các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương và người dân trực tiếp giữ rừng. Tại Quảng Bình, nơi có diện tích rừng trên 590.000 ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt 68,7% - đứng thứ 2 cả nước - công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được quan tâm. Mới đây, có dịp theo chân lực lượng Ban Quản lý rừng cộng đồng bản Phù Minh (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) vào thăm rừng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hàng trăm hecta rừng nguyên sinh ở đây phát triển xanh tốt. Dọc khu rừng, những cây táu, cây dổi, cây lim… chen nhau mọc cao vun vút. Có cây đường kính gần 2 m, 3 người nắm tay nhau ôm mới xuể.

Giữ rừng để làm giàu- Ảnh 1.

Học sinh đi dưới những tán rừng đạt chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon tại vùng Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Ông Thái Xuân Hồng, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng bản Phù Minh, nói rằng sở dĩ rừng ở khu vực của bản được xanh tốt như vậy là nhờ cả bản chung tay giữ rừng trước sự nhòm ngó của "lâm tặc". Hiện bản đang bảo vệ gần 780 ha rừng tại Tiểu khu 239 - đây là khu rừng có nhiều loại gỗ quý với trữ lượng lên tới 110.000 m3. "Diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp nên rừng ở đây luôn tiềm ẩn nguy cơ bị phá. để góp phần bảo vệ và phát triển rừng, xã đã khoán lại khu rừng này cho bà con bảo vệ. Tuy ở gần cánh rừng nhưng dân bản không ai dám tự tiện khai thác. Khi có người lạ vào rừng, bà con lập tức nhắc nhở và báo cáo với Ban Quản lý để theo dõi, giám sát nếu có hành vi phá rừng" - ông Hồng nói.

Tại tỉnh Quảng Trị, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được địa phương ưu tiên hàng đầu. Thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) có gần 700 ha rừng tự nhiên được cấp chứng chỉ về lưu trữ và hấp thụ carbon. Khu rừng này còn khá nguyên sơ, đẹp mắt với nhiều loài cây quý sinh trưởng. Ngoài ra, bên trong khu rừng tự nhiên này còn có rất nhiều tre, nứa, mây và cây dược liệu có chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế (FSC). Ông Hồ Xa Văn, Phó trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, cho biết từ khi được giao rừng vào năm 2017, cộng đồng thôn đã lập 7 tổ bảo vệ với 42 người tham gia. Các thành viên đều tham gia trên tinh thần tự nguyện và không chỉ có đàn ông mà cả phụ nữ trong thôn cũng đi giữ rừng.

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Nói về việc bán tín chỉ carbon rừng, ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, tỏ ra tiếc nuối khi đề án thí điểm mà Chính phủ giao cho Quảng Nam phác thảo vẫn đang nằm trên giấy vì vướng cơ chế. Theo ông Phú, tín chỉ carbon được chia thành thị trường bắt buộc (được điều chỉnh bằng luật pháp) và thị trường tự nguyện (vận hành mà không có quy định). 51,5 triệu USD mà Việt Nam vừa nhận được thuộc trường hợp "thị trường bắt buộc", riêng thị trường tự nguyện chưa có dự án nào triển khai.

Tại Quảng Nam, từ năm 2018, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tài trợ, đã giúp Quảng Nam nghiên cứu lịch sử diễn biến rừng trong 20 năm qua. Đánh giá của dự án cho thấy lượng tín chỉ carbon của tỉnh khá lớn. Trong đề án, tỉnh Quảng Nam dự tính sẽ xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn thí điểm (2021-2025). Với giá bán khoảng 10 USD/tấn CO2 sẽ mang lại cho tỉnh nguồn thu từ 220 đến 260 tỉ đồng/năm. Dù vậy, sau hơn 2 năm được Chính phủ lựa chọn thí điểm, Quảng Nam vẫn đang loay hoay vì cơ chế chính sách chưa rõ ràng.

"Doanh nghiệp rất quan tâm và mong muốn tự đầu tư kinh phí trước để hoàn thiện đề án nhưng gặp vướng mắc. Tỉnh gửi văn bản xin ý kiến thì bộ nói rằng làm theo quy định. Tuy nhiên làm theo quy định không được vì mình cho phép doanh nghiệp tự bỏ tiền thì sau này phải chỉ định thầu cho họ là bên mua. Nếu làm đúng thì sau này phải đấu thầu, hợp họ đấu thầu không trúng thì không biết giải quyết ra sao" - ông Phú phân trần.

Tại tỉnh Quảng Trị, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đàm phán, khảo sát và thực hiện các thủ tục liên quan để mua tín chỉ carbon rừng theo hình thức tự nguyện nhưng chưa có dự án nào hoàn thành. Đơn cử như Công ty Inproba Hà Lan chuyên về các sản phẩm gia vị cho thực phẩm. Trong 3 năm 2020-2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Inproba Hà Lan phát thải khoảng 3.000 tấn CO2. Để thực hiện trách nhiệm xã hội, Inproba Hà Lan tự nguyện tài trợ khoảng 30.000 Euro cho cộng đồng Bắc Hướng Hóa để cộng đồng tiếp tục bảo vệ rừng. Ngoài ra, Công ty Etifor - Ý cũng đang đàm phán để tài trợ tự nguyện khoảng 50.000 Euro/năm cho cộng đồng để thực hiện bảo vệ rừng và phục hồi làm giàu rừng, giai đoạn 2024-2028.

Có thêm nguồn thu nhập ổn định thì ý thức, trách nhiệm của người giữ rừng được nâng lên, rừng sẽ được quản lý, bảo vệ ngày càng hiệu quả hơn.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 23.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Ngoài ra, có 5 cộng đồng ở phía Bắc huyện Hướng Hóa được cấp chứng nhận FSC dịch vụ hệ sinh thái (FSC-ES) về hấp thụ và lưu trữ carbon trên diện tích 2.145 ha rừng tự nhiên, với lượng hấp thụ carbon hằng năm khoảng 7.000 tấn và tổng lượng lưu trữ của toàn diện tích khoảng 350.000 tấn. Thời gian tới, nếu cơ chế chính sách được hoàn thiện, việc tham gia vào thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp tỉnh có nguồn thu lớn để tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo