Nhiều năm trước, có dịp tham dự lễ khai giảng lớp học nghề massage cho người khiếm thị ở chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp, TP HCM), nhiều người đã rất xúc động.
Giúp nhau sinh kế
Hòa thượng Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II, đã cho thành lập một cơ sở đào tạo nghề, giúp người khuyết tật có thể trang bị kỹ năng tự mưu sinh. Hòa thượng Thiện Chiếu động viên các học viên nỗ lực, vì lớp học chính là cơ hội để những người khiếm thị bước ra ánh sáng.
"Giúp đỡ người khuyết tật nói riêng và những người nghèo khó nói chung không phải chỉ cho họ miếng ăn, cứu đói, giúp ngặt mà còn phải giúp họ con đường tự lập, tự nuôi sống bản thân" - nhà sư nhìn nhận.
Điều chạm đến trái tim nhiều người trong buổi lễ hôm ấy chính là sự nỗ lực vươn lên của người khuyết tật trong khóa học, cũng như sự hỗ trợ hết mình của nhiều tấm lòng thiện nguyện.
Châu Cao Minh - một bạn trẻ sinh năm 1987, quê Bến Tre, học Trường ĐH Công nghiệp TP HCM - cũng tham dự lễ khai giảng lớp học nghề massage cho người khiếm thị. Mẹ mất sớm, cha là người khiếm thị, ngoài học văn hóa, Minh đăng ký học massage để hiểu nghề, với mong muốn thành lập một cơ sở giúp người khiếm thị có việc làm, tự nuôi bản thân.
"Có cha là người khiếm thị nên tôi hiểu khó khăn trong cuộc sống của người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung. Họ mặc cảm là một chuyện, sinh hoạt, làm việc cũng không dễ dàng, nhất là khi nhiều cơ sở không sử dụng lao động là người khuyết tật" - Minh trăn trở.
Sự đồng cảm thôi thúc Minh mở cơ sở massage "Đôi tay người mù" ở quận Gò Vấp với 4 giường, cùng 5 nhân viên đầu tiên vào năm 2009. Minh gọi dự án đó là giúp nhau sinh kế, với sự kết hợp của một người khỏe mạnh với những người khiếm thị, cùng tạo nên giá trị cho nhau.
Minh bỏ vốn, ý tưởng, để người khiếm thị có cơ hội sử dụng kỹ thuật massage học được, làm việc và kiếm sống từ chính sức lao động của mình. Lợi nhuận từ cơ sở, Minh tái đầu tư, mở rộng, giúp nhiều người khiếm thị khác có việc làm.
Cuối tháng 11-2023 là tròn 14 năm hành trình "giúp nhau sinh kế", Minh đã mở rộng thành 2 cơ sở với hình thức công ty, tăng lên 33 giường và 43 nhân viên. Nhiều nhân viên đã gắn bó 8-9 năm ở cơ sở massage của anh. Nhiều người khác ra mở cơ sở cho mình và thành công, tự sống được.
"Người khuyết tật, trừ trường hợp không thể vận động hoặc lệ thuộc hoàn toàn những người khác, nếu tìm thấy năng khiếu, khả năng, phát huy năng khiếu của họ thì có thể giúp họ tự chủ, sống ý nghĩa hơn" - Minh nhận xét.
Trong khi đó, ở Đà Lạt có dự án "Nhà của thời thanh xuân" của Võ Thành Luân dành cho người khiếm thính. Ở đó, Luân và những người khiếm thính đã kiến tạo quán Thời Thanh Xuân, nhân viên phục vụ là người khiếm thính cùng những sản phẩm tự nhiên từ bàn tay của họ.
"Nhà của thời thanh xuân" năm 2022 đã vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - đổi mới sáng tạo. Hơn thế, nhiều năm qua, dự án là mái nhà chung cho hàng chục người khiếm thính làm việc và sống có ý nghĩa hơn.
Tạo cơ hội tìm thấy giá trị bản thân
Theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật (từ 2 tuổi trở lên), chiếm hơn 7,06% dân số.
Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Đến nay, số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt hơn 1,6 triệu.
Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh/thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi braille trong toàn quốc.
Đặc biệt, hằng năm, khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề; trên 20.000 lượt người khuyết tật được giới thiệu việc làm với tỉ lệ thành công đạt trên 50%; gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi...
Đó là những kết quả từ sự chăm lo của nhà nước đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều chính sách ưu tiên, giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe; mở trường nghề, tạo cơ sở việc làm để họ có thêm cơ hội bước ra ánh sáng, tìm thấy giá trị bản thân và tự lập. Người khuyết tật có rất nhiều tấm gương đáng nể, được vinh danh ở trong, ngoài nước thông qua các thành tích trong học tập, lao động, thể thao, nghệ thuật…
Những bài học truyền cảm hứng từ chính người khuyết tật với nhau cũng là câu chuyện truyền thông cần được chú trọng. Thông qua những chương trình truyền hình thực tế, những gương sáng trong nhiều lĩnh vực là người khuyết tật, thành công nhờ rèn luyện, vươn lên trong cuộc sống, công việc có thể sẽ thắp lên niềm tin cho người cùng hoàn cảnh.
Ngoài ra, sự thành công trong các mô hình hỗ trợ, tạo việc làm cho người khuyết tật cũng cần nghiên cứu nhân rộng, để các hình mẫu ấy không chỉ là hoạt động nhỏ lẻ, phong trào của một vài cá nhân. Các doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu tuyển dụng người khuyết tật làm việc ở những bộ phận, dây chuyền chuyên biệt, cùng nhà nước tạo việc làm cho họ.
Suy cho cùng, dù là ai, khi xác định được giá trị bản thân, có thể tự nuôi sống mình thì họ sẽ có hạnh phúc, bình an, sống một cuộc đời đáng sống.
Bình luận (0)