Ngày 9-7, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM có buổi khảo sát về rà soát, lập danh sách cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước đối với các nhóm trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Dự án xã hội Cầu Hàn và Cơ sở Bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ mồ côi chùa Long Hoa (quận 7, TP HCM). Tham gia đoàn có đại diện Công an TP HCM và nhiều đơn vị liên quan.
Nhiều trẻ chưa có giấy tờ
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận 7 Châu Xuân Đại Thắng cho biết toàn quận có gần 51.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 249 trẻ có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp. Hiện nay, trên địa bàn quận 7 còn 22 trẻ em dưới 16 tuổi không có giấy tờ tùy thân, 2 thiếu niên từ 16 đến 18 tuổi chưa có khai sinh, mã định danh, thẻ căn cước. Đây là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là con em các gia đình nhập cư, các gia đình không có nơi ở ổn định hoặc cha mẹ không có đầy đủ giấy tờ tùy thân.
"Trong số 22 em chưa có giấy tờ tùy thân này, đa số các em mồ côi cha, mẹ hoặc cha, mẹ có gia đình khác, các em sống với người thân. Những trường hợp này thường không có giấy chứng sinh trong đó một số nguyên nhân như lúc sinh các em thì người mẹ trốn viện, cha mẹ rời quê lâu năm nên không làm được chứng sinh…" - ông Thắng thông tin.
Ngoài ra, theo UBND quận 7, vừa qua quận thực hiện việc sáp nhập, chia tách khu phố mới, các tổ trưởng chưa cập nhật thông tin kịp thời số trẻ em đang có mặt, cư trú. Bên cạnh đó, việc di dân tự phát ngày càng nhiều, luôn biến động nên việc cập nhật, quản lý chưa kịp thời; một số gia đình do nhu cầu mưu sinh nên không quan tâm đến việc làm giấy tờ tùy thân cho các em.
Báo cáo với đoàn khảo sát, ông Nguyễn Ngọc Phúc, quản lý Dự án xã hội Cầu Hàn, cho biết dự án đang trợ giúp 54 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em con lao động nhập cư đang sinh sống, làm việc trên địa bàn. Trong số này có 4 trẻ em chưa có giấy tờ tùy thân. Cụ thể, có 2 trẻ khi mẹ qua đời thì cha bỏ đi nơi khác, 2 em đang sống với người thân và chưa có giấy tờ tùy thân. Đặc biệt có 2 bé gái được sinh ra ở nước ngoài nhưng do người mẹ nhớ quê nên dẫn các cháu về Việt Nam sinh sống. Hiện nay, ngoài giấy chứng sinh tại nước ngoài thì 2 cháu chưa có giấy tờ tùy thân, đang được hỗ trợ đi học.
Dù khó vẫn phải quyết tâm
Tại buổi khảo sát, bà Mai Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP HCM, cho hay vừa giúp một trẻ mồi côi làm giấy tờ. Cụ thể, cháu T. được sinh ở Bệnh viện Từ Dũ nhưng mẹ trốn viện không làm chứng sinh. Đến 5 tuổi thì mẹ mất, cháu sống cùng cha. Năm lên 7 tuổi, khi làm thủ tục nhập học thì thiếu giấy chứng sinh.
"Tôi phải nhờ các mối quan hệ để giúp đỡ, cuối cùng Bệnh viện Từ Dũ cũng đã trích lục được giấy chứng sinh cho cháu rồi cháu có đầy đủ giấy tờ làm hồ sơ nhập học. Đó là một quá trình không dài, không ngắn nhưng chúng tôi đã rất nỗ lực để cháu được đi học, được hưởng đầy đủ các quyền trẻ em như bao đứa trẻ khác" - bà Hoa chia sẻ. Từ đó, bà Mai Thị Hoa đề xuất cần triển khai, quán triệt với toàn hệ thống đối với những trường hợp nếu địa phương đã xác định được nhân thân thì hỗ trợ làm giấy tờ cho các cháu.
Trước những hoàn cảnh trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn chưa được cấp giấy tờ tùy thân, trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2 Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP HCM, cho biết Công an thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan khác để cùng giải quyết, tháo gỡ. Cụ thể, trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết đối với những trẻ chưa có giấy tờ thì cần sự quyết tâm, quyết liệt của tất cả cơ quan chức năng để các em có được các giấy tờ tùy thân.
Trao đổi thêm tại buổi khảo sát, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho biết hội rất quan tâm các trường hợp trẻ chưa có giấy tờ tùy thân. "Hội luôn tạo điều kiện tốt nhất và quyết tâm phối hợp với các ban, ngành để tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn có giấy tờ. Trường hợp cần xét nghiệm ADN huyết thống để bổ sung hồ sơ thì hội sẽ hỗ trợ chi phí cho gia đình các em" - ông Nghinh chia sẻ.
Phát biểu tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Minh Nhật, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nói: "Nếu chúng ta không giải quyết được thì các cháu sẽ rất khó khăn, nếu giúp được sẽ giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Điều chúng tôi quan tâm là sau khảo sát này, những trường hợp phát sinh sẽ như thế nào, được giải quyết ra sao? Chính vì những mục tiêu nhân văn, về mặt tư pháp chúng ta cần từng bước tháo gỡ khó khăn, nếu còn vướng sẽ gỡ tiếp. Mỗi hồ sơ là một hoàn cảnh, dù mất thời gian thì chúng ta cũng phải quyết tâm làm vì một ngày mai tươi sáng của các em".
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Công an TP HCM cho biết hiện nay có 1.149 người khai báo nơi ở hiện tại và chưa đủ điều kiện cấp căn cước. Công an TP HCM sẽ tiến hành cấp căn cước cho số công dân này. Trong năm 2024, Công an thành phố tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố duy trì thực hiện thường xuyên Kế hoạch 1878/KH-BCĐ với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, không để trường hợp người dân nào không có thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư.
Bình luận (0)