xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giúp trẻ em phòng tránh bị xâm hại

Bài và ảnh: Phạm Dũng

Cha mẹ cần khéo léo chỉ dạy, giáo dục con bằng nhiều hình thức khác nhau về các thủ đoạn của kẻ xấu

Công an TP HCM thống kê trong năm 2023, trên địa bàn TP HCM xảy ra 155 vụ xâm hại tình dục trẻ em, 16 vụ bạo lực, bạo hành. Trong số 196 nạn nhân có 139 nữ và 57 trẻ em nam. Riêng 5 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn có 45 vụ với 46 nạn nhân, đáng chú ý có đến 40 vụ xâm hại tình dục.

Những chiếc bẫy giăng sẵn

Công an TP HCM cho biết trong giai đoạn mới, hình thức dụ dỗ để thỏa mãn ham muốn cá nhân đối với trẻ em cũng thay đổi. Kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận, làm quen, tâm sự với các em trong thời gian dài.

Thông qua Facebook, Zalo, T.T.S (SN 1980, quê Tây Ninh) đã làm quen nhiều trẻ em. Sau một thời gian dài gợi chuyện, S. đã dụ dỗ nạn nhân chia sẻ hình ảnh, clip nhạy cảm sau đó lưu lại. Tiếp đó, S. sử dụng những hình ảnh này để ép buộc các em tiếp tục gửi ảnh nhạy cảm, chuyển tiền, nếu không sẽ tung hình ảnh lên mạng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận 8 đã bắt khẩn cấp T.T.S về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".

Một số thủ đoạn mới là các đối tượng tiếp cận trẻ trên các nền tảng mạng xã hội, ban đầu chỉ trao đổi chuyện học hành sau đó chuyển sang nói chuyện về giới tính. Một số kẻ có hình ảnh nhạy cảm đã ép các em phải cho quan hệ tình dục, môi giới mại dâm, mua bán người...

Mới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận đơn tố cáo của gia đình cháu N.T.Đ.K (SN 2008, ngụ huyện Đồng Phú, Bình Phước) về việc bị T.Q.D (SN 1981) dụ dỗ để quan hệ đồng tính. D. là giám đốc trung tâm thuộc UBND tỉnh Bình Phước, quen biết với cháu K. qua mạng xã hội. Tối 15-5, D. đến nhà K. chơi và đã thực hiện hành vi quan hệ với K. Sau đó, người nhà phát hiện nên đã trình báo công an địa phương. Lúc phát hiện, gia đình và công an tìm thấy nhiều viên thuốc, lọ nước nghi là thuốc kích dục.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, mặc dù số vụ xâm hại trẻ em giảm nhưng tính chất, mức độ phạm tội nghiêm trọng. Độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 và phần lớn là trẻ em gái. Phần lớn người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình.

Đối tượng T.T.S bị bắt do dụ dỗ trẻ em

Đối tượng T.T.S bị bắt do dụ dỗ trẻ em

Làm bạn cùng con

Nhiều năm tham gia công tác bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM - cho biết: "Rất nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, trẻ em là đối tượng yếu thế, không thể chống cự trước những trận đòn roi của người lớn. Bên cạnh đó, ngày nay trẻ em đối diện với đủ kiểu dụ dỗ của kẻ xấu, nhất là trên môi trường mạng xã hội. Chính vì vậy, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn với con trẻ, chia sẻ và giáo dục con để con có sức đề kháng, nhận diện cám dỗ có thể gặp phải".

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, nhiều bậc cha mẹ khi phát hiện con bị xâm hại, bị bạo lực thường giấu kín, không tố cáo. "Tuy nhiên, việc này sẽ khiến những kẻ thực hiện hành vi xâm hại đắc ý và có thể những đứa trẻ khác sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân. Khi phát hiện con bị xâm hại, cha mẹ, người thân cần gọi điện thoại cho công an gần nhất, cùng trẻ đến công an tố cáo. Hoặc người dân có thể gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) nhờ trợ giúp" - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng 7 VKSND TP HCM, dẫn chứng câu chuyện bé gái ở Cà Mau bị 5 người xâm hại trong đó có 4 người là bà con, họ hàng của cháu. "Đó là lý do vì sao người thân cần quan tâm trẻ và phải tố cáo khi phát hiện trẻ bị xâm hại. Những người thân quen là những người có thể có hành vi xâm hại các em, kể cả bé trai. Nếu người dì của bé gái ở Cà Mau không mạnh dạn tố cáo thì cháu còn bị bao nhiêu người nữa xâm hại?" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói.

Về việc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bà Ninh Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng đó là nỗi nhức nhối của xã hội. "Cứ mỗi lần nghe trẻ bị bạo hành, trẻ bị xâm hại mang thai là lòng tôi lại đau nhói. Cha mẹ cần quan tâm con nhiều hơn, lắng nghe con và là người bạn của con đến khi con trưởng thành. Trẻ đang lớn thường tin những lời dụ dỗ ngọt ngào, bỏ nhà đi theo bạn hoặc đi theo kẻ xấu. Xâm hại, dụ dỗ là một quá trình dài, nếu cha mẹ phát hiện sớm thì sẽ ngăn chặn được" - bà Ninh Thị Hồng nói. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bà Ninh Thị Hồng cho rằng các cơ quan chức năng cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đến các phụ huynh, các cháu học sinh. Cần tuyển chọn những gương tiêu biểu trong các cháu để đào tạo, tập huấn để các cháu phổ biến kiến thức về xâm hại cho các bạn cùng trang lứa, chính các cháu mới là những tuyên truyền viên tích cực và hiệu quả nhất.

Trong dịp hè, trẻ có nhiều thời gian ở nhà và có thời gian truy cập vào điện thoại, máy tính nên cha mẹ cần giám sát con trong ngày làm việc gì, thời gian rỗi cần hướng con làm gì. Chẳng hạn như giới thiệu con tham gia học kỳ quân đội, câu lạc bộ thanh nhạc, bơi, học võ hoặc cùng con thăm người thân, ông bà. Chúng ta không thể cấm con lên mạng nhưng cần hướng con nên xem chương trình gì phù hợp...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo