Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2024 hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông năm 2023, có hiệu lực từ ngày 24-12-2024. Nghị định này có nhiều điểm mới liên quan việc đăng ký và xác thực thuê bao di động.
Không cần căn cước công dân bản cứng
Theo đó, khi đăng ký số thuê bao viễn thông dùng cho dịch vụ viễn thông di động mặt đất thực hiện phương thức giao tiếp giữa người với người (số thuê bao di động H2H), tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xuất trình bản gốc/bản sao giấy tờ tùy thân được chứng thực từ bản gốc/bản điện tử/thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc.
Cụ thể, đối với người có quốc tịch Việt Nam, các giấy tờ tùy thân gồm thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân (CCCD), căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử (VNeID) hoặc các giấy tờ khác có thể sử dụng để thực hiện giao dịch dân sự. Các giấy tờ này phải còn thời hạn sử dụng và doanh nghiệp viễn thông có thể truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tham chiếu, xác thực thông tin thuê bao…
Như vậy, trong trường hợp quên mang theo giấy tờ tùy thân bản gốc như thẻ căn cước hoặc CCCD, cá nhân có thể sử dụng VNeID đối chiếu, xác minh thông tin để thực hiện việc đăng ký sim điện thoại chính chủ. Điều này sẽ giúp người dân đăng ký sim điện thoại chính chủ dễ dàng hơn.
Anh Nguyễn Chiến - nhân viên văn phòng tại quận 1, TP HCM - cho hay hồi giữa tháng 12-2024, do cần thêm sim điện thoại của nhà mạng V. để phục vụ công việc nên đã dành 1 buổi đến chi nhánh ở TP Thủ Đức để mua. Tại đây, nhân viên nhà mạng V. yêu cầu phải có CCCD bản cứng nhưng anh vừa mất CCCD. Nhân viên cho biết nếu không có CCCD bản cứng thì từ chối bán và để mua được sim điện thoại, anh phải đến cơ quan công an làm giấy cớ mất.
Anh Chiến nhớ lại: "Giấy cớ mất được cơ quan chức năng thông báo không còn cấp nữa. Để làm lại CCCD thì phải mất nhiều ngày. Do có việc cần, hôm sau tôi quay lại cửa hàng đó lần nữa để cung cấp thông tin từ VNeID nhưng không được làm hồ sơ. Nguyên nhân là do hệ thống chưa chấp nhận bản điện tử. Tôi được đề nghị khi nào có CCCD mới được đăng ký sim, bởi quy định cũ yêu cầu phải là bản cứng hoặc có thể dùng hộ chiếu thay thế nhưng tôi không có. Quy định mới đã gỡ khó cho rất nhiều người đang gặp tình huống giống tôi".
Tương tự, anh Thanh Phong (ngụ quận 1) cho hay trước đó, do anh mất CCCD nên các nhà mạng như V., V., M. đều từ chối bán sim điện thoại vì không chấp nhận thông tin từ VNeID. "Quy định dùng VNeID có thể thay thế là rất hợp lý" - anh Phong nhận xét.
Chú trọng bảo mật thông tin cá nhân
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhà mạng VinaPhone và MobiFone cho biết doanh nghiệp viễn thông có thể giao dịch với khách hàng, đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng bằng các hình thức trực tuyến, sử dụng giấy tờ điện tử, VNeID.
Tuy nhiên, để thực hiện nghiệp vụ này, doanh nghiệp viễn thông cần thêm thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ theo quy định mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến; kết nối với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư để thẩm tra, xác thực thông tin khách hàng...
"Nhà mạng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sau đó sẽ chính thức hoạt động để khách hàng có thể sử dụng VNeID trong giao dịch" - đại diện VinaPhone thông tin.
Theo đại diện MobiFone, doanh nghiệp này cũng đang tập trung hoàn thiện những nội dung trên để chính thức cung cấp dịch vụ tới khách hàng trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, phóng viên liên hệ với đại diện nhà mạng Viettel nhưng chưa được phản hồi thông tin liên quan.
Chuyên gia viễn thông Huỳnh Hữu Bằng nhìn nhận việc cho phép đăng ký sim điện thoại chính chủ qua VNeID không chỉ giúp người dùng thuận lợi hơn mà còn nâng cao quá trình chuyển đổi số của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy dịch vụ trực tuyến. Tình trạng sử dụng sim điện thoại rác cũng sẽ giảm do việc đăng ký tiện lợi hơn, hạn chế được các hành vi lừa đảo, mạo danh qua điện thoại.
"Quy định này về lâu dài sẽ tác động lớn đến xã hội và giúp các thủ tục đơn giản hóa. Tuy nhiên, cũng cần chú trọng về an toàn thông tin trên không gian mạng" - ông Bằng lưu ý.
Theo các chuyên gia công nghệ, cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy vết nếu xảy ra vi phạm pháp luật liên quan việc sử dụng sim điện thoại đăng ký qua VNeID. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể dễ dàng quản lý thông tin dân cư, phục vụ công tác xây dựng chính sách và quản lý xã hội; giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý và nhà mạng cần có các biện pháp bảo mật chặt chẽ để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng khi số hóa. Đồng thời, cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ để đáp ứng nhu cầu sử dụng VNeID một cách mượt mà, tránh bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến người dùng.
Có thể xác thực thông tin qua video call
Theo Nghị định 163/2024, về hình thức xác thực sim điện thoại mới, doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp xác thực thông tin. Trong đó, có thể áp dụng giải pháp video call (cuộc gọi ghi hình) để thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình đăng ký thuê bao.
Giải pháp video call phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu về an toàn, bảo mật theo quy định; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục; cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để bảo đảm nhận diện người thật; thể hiện hình ảnh nhân viên giao dịch và khách hàng đăng ký thông tin thuê bao di động.
Bình luận (0)