xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ vướng các công trình giao thông trọng điểm

CA LINH - VÂN DU

Trước tình trạng khan hiếm vật liệu đắp nền đường các dự án giao thông tại ĐBSCL, việc khai thác cát biển và nhập cát từ Campuchia đang được cân nhắc để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong thời gian tới

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án giao thông trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Gỡ vướng các công trình giao thông trọng điểm- Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra thực tế dự án thành phần đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau vào ngày 2-5. Ảnh: VÂN DU

Nguồn cung nhỏ giọt

Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường 16 dự án này khoảng 70 triệu m3. Đến nay, các đơn vị liên quan đã xác định được nguồn cung 37 triệu m3, trong đó 18,3 triệu m3 đủ điều kiện khai thác; còn thiếu 26 triệu m3.

Không chỉ các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL như: đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi… mà nhiều công trình quan trọng ở các địa phương cũng thiếu cát đắp nền. Trong đó, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn Cần Thơ dài hơn 37 km, khởi công tháng 6-2023, đến tháng 4-2024 mới được cấp mỏ cát ở An Giang với trữ lượng mỏ hơn 3,2 triệu m3, trữ lượng khai thác 2,4 triệu m3.

"Nhu cầu cát mà Cần Thơ cần sử dụng để làm đoạn cao tốc này là 7 triệu m3. Như vậy, khối lượng cát còn thiếu khoảng 4,6 triệu m3, địa phương đang cùng nhà thầu tìm kiếm" - ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, thông tin.

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, dự án đường vành đai phía Tây (nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C) có tổng mức đầu tư gần 3.838 tỉ đồng, khởi công ngày 7-11-2022. Hiện nay, việc đắp nền đường cũng chậm tiến độ do nguồn cát khan hiếm. Để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn dự án đến 31-1-2025 đạt trên 95%, Sở GTVT kiến nghị UBND TP Cần Thơ làm việc với các địa phương có nguồn cát nhờ hỗ trợ.

Trong khi đó, cát xây dựng dân dụng không thiếu nhưng giá cao. Ông Nguyễn Văn Phong - chủ cơ sở vật liệu xây dựng ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - cho hay: "Từ đầu năm đến nay, giá cát dùng xây tô nhà không tăng so với năm rồi nhưng vẫn ở mức cao. Tôi giao cát tận nơi với giá 380.000 đồng/m3. Tôi lấy cát tại một bãi tập kết ở quận Bình Thủy. Họ mua cát từ Campuchia nên lúc nào cũng dồi dào".

Theo ông Nguyễn Văn Tông, một thầu xây dựng ở Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, ông không nhận xây nhà trọn gói mà chỉ tính theo mét vuông, do giá cát luôn ở mức cao và các loại vật liệu xây dựng khác cũng biến động. Ông Tông kể: "Năm 2023, tôi nhận xây mấy căn nhà trọn gói. Lúc làm hợp đồng, giá cát chỉ 280.000 đồng/m3 nhưng sau khi triển khai xây dựng thì tăng lên 350.000 đồng rồi 380.000 đồng nên không có lời. Vì vậy, mấy tháng qua, tôi chỉ nhận xây nhà tính tiền theo mét vuông, nguồn cát thì chủ nhà tự mua".

Tại Cà Mau, UBND tỉnh cho biết dự án thành phần đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau qua địa phương này đang gặp vướng mắc, chủ yếu do nguồn cung cấp vật liệu cát đắp nền chưa đáp ứng tiến độ. Tổng vật liệu cát đắp nền đường tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3 nhưng đến nay, các nhà thầu mới tiếp nhận khoảng 3,5 triệu m3…

Trong khi vật liệu cát sông chưa xác định đủ nguồn cung thì việc hoàn tất thủ tục để khai thác tại các mỏ lại chậm. Với đà này, đến hết năm 2025, tiến độ dự án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ chậm khoảng 5-6 tháng.

Nhà thầu mong muốn ngành chức năng sớm cấp phép bổ sung các mỏ mới, đồng thời nâng công suất đối với các mỏ cát sông đang khai thác. Nguồn cát biển dù trữ lượng rất lớn nhưng chưa thể khai thác đưa vào sử dụng cho các dự án vì chưa hoàn thiện những thủ tục liên quan.

Gỡ vướng các công trình giao thông trọng điểm- Ảnh 2.

Các địa phương ở ĐBSCL đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vật liệu đắp nền cho những công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: CA LINH

Nhiều giải pháp

Theo báo cáo của Tổ Công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, một số mỏ cát tại ĐBSCL có thể cung ứng cho các dự án nêu trên.

Cụ thể, Tiền Giang có khoảng 40 triệu m3 cát từ 35 mỏ. Trong đó, 15 mỏ có giấy phép, trữ lượng được phê duyệt 21,9 triệu m3 nhưng chưa cấp phép khai thác; 20 mỏ đã tạm dừng khai thác nhưng chưa đóng cửa, trữ lượng còn lại khoảng 19,9 triệu m3. Bến Tre có 6 mỏ cát thuộc kế hoạch đấu giá năm 2024 với tổng trữ lượng 15 triệu m3. An Giang có nhiều mỏ nằm trong quy hoạch đã thu hồi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ còn đủ điều kiện khai thác với khoảng 2,5 triệu m3...

Ngoài ra, Bộ TN-MT đã hoàn thành dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các công trình đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng được giao trữ lượng khoảng 145 triệu m3. Bộ GTVT đánh giá việc khai thác số cát này để cung ứng cho các dự án là khả thi.

Gỡ vướng các công trình giao thông trọng điểm- Ảnh 3.

Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3 cát. Ảnh: CA LINH

Trước những khó khăn về nguồn cát, UBND tỉnh Cà Mau vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương có mỏ cát tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khai thác, cung ứng vật liệu đắp nền. Có như vậy, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau mới cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành theo kế hoạch từ năm 2026.

Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho thấy hiện phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác một năm. Hiệp hội đã kiến nghị UBND TP HCM làm đầu mối làm việc với phía Campuchia để thực hiện các thủ tục, đồng thời giao một doanh nghiệp quân đội phía Nam làm đầu mối ký hợp đồng phân phối.

Bộ Công Thương đã thống nhất với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan tổ chức đoàn công tác liên ngành làm việc với các cơ quan chức năng của Campuchia để sớm có phương án nhập khẩu cát phục vụ thi công những dự án nêu trên. Dự kiến, việc này hoàn thành trong tháng 5-2024. 

Tìm nguồn vật liệu thay thế

Tại hội thảo "Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL" vừa được tổ chức ở TP Cần Thơ, GS-TS Ngô Đức Tuấn, ĐH Melbourne - Úc, cho hay ĐBSCL hiện có 211 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 32%. Mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42%-48%. Để phát triển đô thị vùng ĐBSCL, cần kiến tạo đặc biệt nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện mới đáp ứng khoảng 77% nhu cầu. Trong khi đó, thời gian tới, các dự án đường cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn.

"Úc đã sử dụng kính phế thải để làm kết cấu hạ tầng một số công trình giao thông, san lấp khu đô thị hoặc sản xuất bê tông; tái sử dụng lốp xe phế thải thành sản phẩm bảo vệ đường. Úc có 30 triệu tấn phế thải xây dựng hằng năm, còn Việt Nam ước lượng khoảng 80 triệu tấn. Phế thải này có thể tái sử dụng, trở thành nguồn vật liệu thay thế cát" - GS-TS Ngô Đức Tuấn gợi ý.

Người dân địa phương cũng mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục những khó khăn để hoàn thành sớm các công trình giao thông quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Bình - ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau - bày tỏ: "Các công trình giao thông trọng điểm khi hoàn thành không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chúng tôi hy vọng sẽ có những giải pháp căn cơ, lâu dài để gỡ khó cho các công trình này".

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Gỡ vướng các công trình giao thông trọng điểm- Ảnh 4.

Gỡ vướng các công trình giao thông trọng điểm- Ảnh 5.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo