Ngày 11-4, tại Hà Nội, Báo Người Lao Động phối hợp Hiệp hội Quảng cáo TP Hà Nội tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời". Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chủ trì tọa đàm.
"Làm liều" do vướng pháp lý?
Khái quát bức tranh của ngành quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, khẳng định doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo ngoài trời còn vướng một số vấn đề liên quan hành lang pháp lý nên khai thác chưa hiệu quả. "Quảng cáo chính là "bán niềm tin" nên cần làm trong sạch hoạt động này, nhất là quảng cáo ngoài trời vốn còn lộn xộn, chưa theo quy định" - ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Lý giải nguyên nhân khiến hoạt động quảng cáo ngoài trời còn tùy tiện, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, chỉ rõ quy hoạch quảng cáo cùng một số quy chế được triển khai quá chậm. Tại TP Hà Nội, cơ quan quản lý nhà nước những năm qua không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của bất cứ đơn vị nào khiến DN quảng cáo gặp khó khăn, dẫn đến "làm liều", kéo theo hoạt động quảng cáo tùy tiện, lộn xộn, đặt bảng quảng cáo sai vị trí. "Đây là lỗi của cả cơ quan quản lý và DN" - ông Hùng thẳng thắn.
Về phía DN, ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bizman, cho rằng việc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đang tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo bảng tấm lớn cột trụ trên quốc lộ, đường cao tốc gây khó khăn cho DN vì một số khách hàng yêu cầu có giấy thông báo sản phẩm mới ký hợp đồng. Đồng thời, việc này cũng gây khó khăn trong giải trình hồ sơ pháp lý với cơ quan quản lý.
Về thủ tục xin lắp đặt màn hình LED, theo ông Vũ Đức Sơn, DN phải thực hiện nhiều bước, thông qua nhiều sở, ngành nên mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Do đó, DN kiến nghị giảm thủ tục hành chính, thời gian thực hiện thủ tục. "Quyết định 1997/2018 của UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Đến nay đã qua 6 năm nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện, DN gặp khó khi có nhu cầu muốn đầu tư thêm vị trí mới" - ông Vũ Đức Sơn bày tỏ.
Hàng loạt kiến nghị
Từ những vướng mắc thực tế, ông Vũ Đức Sơn kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội xem xét cho phép tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trở lại để DN có được giấy thông báo sản phẩm quảng cáo bảng tấm lớn cột trụ. Bên cạnh đó, kiến nghị cơ quan quản lý cấp phép lắp đặt màn hình LED quảng cáo dài hạn để DN yên tâm đầu tư khai thác.
Ông Nguyễn Bá Thắng, Giám đốc Công ty CP Quảng cáo TM Hà Nội, góp ý Thông tư 04/2018 của Bộ Xây dựng quy định bảng quảng cáo, hộp đèn phải nằm trong quy hoạch quảng cáo được phê duyệt là chưa phù hợp. DN kiến nghị sửa đổi nội dung này thành: Bảng quảng cáo, hộp đèn đứng độc lập phải nằm trong quy hoạch quảng cáo được phê duyệt. Lý do là vì bảng quảng cáo đa phần gắn vào công trình có sẵn của tư nhân nhưng không thể quy hoạch đối với công trình có sẵn thuộc tư nhân.
Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật hiện nay đối với bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn là được nhô ra khỏi mặt ngoài công trình tối đa 0,2 m chỉ phù hợp với loại hình bảng quảng cáo dán bạt hiflex hoặc kết cấu kim loại sử dụng bạt hiflex. Với quảng cáo màn hình LED, khoảng cách nhô tối đa 0,2 m không đáp ứng được việc lắp đặt hệ thống kết cấu. "Thực tế cho thấy màn hình LED tối thiểu phải nhô ra 0,8 m mới đủ không gian để lắp đặt các kết cấu và các thiết bị phụ trợ như quạt làm mát, hệ thống PCCC…" - ông Thắng nêu ý kiến.
Cũng theo ông Thắng, quy định phương tiện quảng cáo ngoài trời hiện hữu có vị trí, kích thước, kiểu dáng không phù hợp với quy định tại Thông tư 04/2018 chỉ được tồn tại hết thời hạn ghi trong giấy phép quảng cáo sẽ gây tốn kém, lãng phí cho DN. Do đó, DN đề xuất cho giữ lại các bảng quảng cáo có kích thước chưa đúng nếu không quá ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực. Nếu cần thiết, cho phép DN được chỉnh sửa đúng với quy chuẩn hiện hành.
Phản hồi kiến nghị của DN, bà Ninh Thị Thu Hương thông tin bộ đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi một số nội dung của Thông tư 04/2018. Thừa nhận đã đến lúc cần thay đổi một số chính sách lớn để hoạt động quảng cáo mang tính đồng bộ hơn, bà Ninh Thị Thu Hương cho hay ngoài Luật Quảng cáo đang được sửa đổi thì một số luật và văn bản khác cũng thường xuyên được bổ sung chính sách liên quan hoạt động quảng cáo. "Riêng với quảng cáo ngoài trời, trong dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) lần này đã đề cập 3 nội dung lớn gồm quy hoạch quảng cáo, thủ tục hành chính và kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm" - bà Hương cho biết.
Xem quảng cáo là ngành công nghiệp văn hóa
Trăn trở về lĩnh vực quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, cho rằng cần xác định quảng cáo là ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan đều phải "chuyển mình", thay đổi tư duy. "Đừng nghĩ rằng việc này của đơn vị nọ, đơn vị kia, mà là việc chung cần làm để thay đổi bức tranh ngành quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời" - ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), các vấn đề về hoạt động quảng cáo, quảng cáo ngoài trời đã được đề xuất để cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý cho DN hoạt động. Về phía DN, sự thay đổi cũng cần mạnh mẽ hơn bởi quảng cáo là ngành sáng tạo, cần tạo ra những sản phẩm mà khách hàng cần, tạo ra dịch vụ để kết nối khách hàng với sản phẩm quảng cáo.
. Bà NINH THỊ THU HƯƠNG, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT-DL:
Sớm trình Luật Quảng cáo (sửa đổi) để thông qua
Là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Bộ VH-TT-DL đề nghị các cơ quan, DN chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách. Các nội dung sửa đổi sẽ hướng đến nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của DN, đồng thời quy định chế tài xử phạt mạnh đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Với vai trò là quản lý Nhà nước, đặc biệt là vai trò của Tổ Biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, chúng tôi cam kết sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo theo hướng phù hợp nhất. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách sẽ cân đối về nhiều mặt, không thể vì quyền lợi của cơ quan quản lý nhà nước mà "bóp chặt" hoạt động của DN và không phải vì DN mà "buông" công tác quản lý. Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10-2024 và dự kiến trình thông qua vào kỳ họp tháng 5-2025.
. Ông ĐỖ ĐÌNH HỒNG, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội:
Lắng nghe thị trường
Với sự nỗ lực của các bên liên quan, sự đóng góp về mặt truyền thông, tuyên truyền của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, hy vọng ngành quảng cáo sẽ thực sự là một ngành công nghiệp. Các cơ chế, chính sách được xây dựng, sửa đổi trong thời gian tới cũng cần phải tạo chuyển biến thực sự cho ngành quảng cáo.
Tiềm năng về quảng cáo ở thủ đô Hà Nội là rất lớn song chúng ta cũng cần thay đổi nhận thức, nhìn ra vấn đề, suy nghĩ để ứng xử phù hợp với ngành công nghiệp văn hóa này và để ngành quảng cáo phát triển tương xứng. Bên cạnh việc hoàn thiện hành làng pháp lý, tháo gỡ khó khăn từ phía cơ quan quản lý nhà nước, DN cũng cần tự mình phải thay đổi, lắng nghe thị trường, lắng nghe khách hàng để tạo ra sản phẩm quảng cáo chất lượng. Mỗi DN cần tìm ra hướng đi cho chính mình để hiện thực hóa giấc mơ phát triển công nghiệp quảng cáo. Nếu chỉ quảng cáo mà không gắn thực cảnh thì ai xem quảng cáo của chúng ta? Quảng cáo phải nâng tầm thương hiệu. TP Hà Nội chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các DN hiện thực hóa giấc mơ, gia tăng giá trị sản phẩm.
Sau tọa đàm này, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều giải pháp, sáng tạo mới. Chúng tôi với tư cách là cơ quan tham mưu cho UBND TP Hà Nội sẽ đưa ra những giải pháp ứng xử tốt nhất.
. Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Qua các phát biểu tại tọa đàm, chúng tôi nhận thấy rõ khó khăn của DN cũng như tâm huyết của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tháo gỡ những khó khăn đó. Các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực để tháo gỡ vướng mắc nhưng chưa có sự kết nối đủ tốt để tạo ra sự đột phá.
Để quảng cáo ngoài trời phát huy hiệu quả, trước hết, phải hoàn thiện hành lang pháp lý bởi không có hành lang pháp lý sẽ rất khó khăn cho hoạt động của DN cũng như công tác quản lý. Bên cạnh đó, DN quảng cáo cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vì nếu đầu tư manh mún, mạnh ai nấy làm thì sẽ rất khó. Thay vào đó, nên tập hợp DN lại theo các hiệp hội, xây dựng những chương trình, công trình quảng cáo xứng tầm quốc gia.
Lĩnh vực quảng cáo ngoài trời cần ứng dụng công nghệ cao, tăng tính sáng tạo để tạo ra sản phẩm quảng cáo có chất lượng, đột phá. Ngoài ra, hoạt động quảng cáo ngoài trời cần kết hợp với các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia, quốc tế để phát huy hiệu quả, chẳng hạn sự kiện nghệ sĩ saxophone Kenny G tổ chức chương trình "Kenny G Live in Vietnam".
. Ông TRẦN ANH TUẤN, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội:
Cần tiêu chuẩn lắp đặt tại tòa nhà cao tầng
Quy hoạch bảng quảng cáo ngoài trời phải được coi trọng như những quy hoạch của các ngành khác. Kể từ khi Luật Quảng cáo có hiệu lực, quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam hầu hết bị treo, không thực hiện được.
Luật Quảng cáo quy định vị trí mới cho biển quảng cáo ngoài trời phải được đấu thầu, tuy nhiên quy định này không khả thi, không thể thu hồi tài sản là đất của tổ chức, tư nhân để đấu thầu. Liên quan quy hoạch vị trí biển quảng cáo, cần xem xét kế thừa những vị trí đã và đang hoạt động nhiều năm theo quy hoạch trước đó. Những vị trí mới trong quy hoạch mới nên cho phép hoạt động theo cơ chế thị trường, DN và chủ sở hữu đất được tự thỏa thuận với nhau theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các công trình tòa nhà cao tầng, tòa nhà thương mại nên có tiêu chuẩn cụ thể cho phép lắp đặt các hình thức quảng cáo hiện đại với kích thước tương xứng.
. Bà LÊ THỊ LAN ANH, Giám đốc Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ quốc tế Hà Nội (Hadifa):
Đề nghị không kéo dài thời gian cấp phép
Hiện một số bất cập về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo theo quy định tại Luật Quảng cáo ban hành năm 2012. Theo đó, nếu đúng quy hoạch, DN sẽ cấp phép trong 15 ngày; nếu không chấp thuận cấp phép, cơ quan chức năng sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Nếu không đúng quy hoạch thì tổng thời gian - gồm cả thời gian gửi công văn - cũng chỉ 30 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, do vướng nhiều quy định hiện hành khác nên tổng thời gian thực hiện thủ tục trên, bao gồm thẩm định ở cấp sở và xin cấp phép tại cấp quận/huyện, lên tới 47 ngày.
Chúng tôi đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo, tránh tình trạng kéo dài và có sự sai khác về thời gian giữa các cơ quan thực hiện quy trình cấp phép xây dựng.
Bình luận (0)