ĐBSCL đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc. Trong các dự án đang thi công, 2 công trình sẽ hoàn thành trong năm 2025 là tuyến Cần Thơ - Hậu Giang và tuyến Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Trong khi đó, dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027; còn dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu sẽ hoàn thành năm 2027.
Thiếu hàng triệu m3
Đến nay, nguồn cung ứng vật liệu san lấp nền đường cho 4 dự án nêu trên đã được xác định với tổng trữ lượng khoảng 56,75 triệu m3 cát.
Trong đó, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau xác định được nguồn cung ứng là 25,7 triệu m3 - đã xác nhận, đủ điều kiện khai thác 23,1 triệu m3 và đang hoàn thiện thủ tục khai thác 2,6 triệu m3. Tuy nhiên, công suất khai thác các mỏ cát hiện không đáp ứng được nhu cầu cung ứng 4 triệu m3 còn lại mà tuyến cao tốc này phải hoàn thành gia tải vào ngày 31-12-2025.
Dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã xác định nguồn cung ứng 24 triệu m3 cát. Đến nay, dự án thành phần 3 (Hậu Giang) và 4 (Sóc Trăng) đã xác định đủ nguồn cung; còn dự án thành phần 1 (An Giang) thiếu 3 triệu m3, dự án thành phần 2 (TP Cần Thơ) thiếu 1,85 triệu m3 cát.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, việc cung ứng vật liệu san lấp nền đường cho các dự án đường cao tốc ở ĐBSCL vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc; công suất khai thác các mỏ còn hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Trong đó, vì một số mỏ phải dừng lại do khai thác quá độ sâu hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông nên không bảo đảm cung ứng khối lượng cát cho các dự án.
Bên cạnh đó, việc triển khai thủ tục cấp mỏ khai thác tại Bến Tre, Tiền Giang... cũng chưa đáp ứng được tiến độ thi công. "Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục cấp phép và tăng công suất mỏ cát sông, cát biển đã đủ thủ tục. Ngoài ra, cần khẩn trương xác định đủ nguồn cát theo chỉ tiêu được giao, sớm hoàn thành thủ tục cấp phép, đưa vào khai thác để bảo đảm cung cấp vật liệu cho các dự án đường cao tốc" - ông Lê Anh Tuấn đề nghị.
Nâng công suất khai thác, cấp phép mỏ mới
Lý giải về việc chưa tăng công suất khai thác 3 mỏ cát được cấp cho nhà thầu phục vụ tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết những mỏ này nằm trên địa bàn huyện Trà Ôn, vốn xảy ra tình trạng người dân khiếu nại thời gian qua.
"Chúng tôi sẽ xem xét sớm nâng công suất khai thác giai đoạn 2 theo đề nghị của nhà thầu, đồng thời khẩn trương lập thủ tục khai thác 2 mỏ mới, phấn đấu cấp phép trong tháng 12-2024" - ông Liệt khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ cấp phép khai thác thêm những mỏ cát mới để bảo đảm cung cấp đủ 3,25 triệu m3. Ông giải thích: "Một trong những khó khăn là việc tính toán giá bán các mỏ cát thương mại khi cung cấp cho dự án đường cao tốc theo cơ chế đặc thù. Tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết vấn đề này".
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho hay từ đầu năm 2023 đến cuối năm 2024 mới phát sinh thủ tục giao mỏ cát cho nhà thầu thi công tuyến cao tốc. Dù thời gian ngắn nhưng Sóc Trăng đã hoàn tất thủ tục xác nhận đăng ký khai thác cho 2 nhà thầu với trữ lượng khoảng 1 triệu m3; đồng thời gia hạn khai thác 2 mỏ cát với trữ lượng hơn 5,4 triệu m3.
"Đến nay, các mỏ này vẫn chưa được nhà thầu khai thác hoặc khai thác chưa bảo đảm tiến độ. Chẳng hạn, mỏ số 12 có thể đáp ứng 3.000 m3/ngày nhưng nhà thầu chỉ khai thác 700-800 m3" - ông Nghiệp băn khoăn.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan thống nhất xử lý việc khai thác cát biển và giao khu vực biển tại tiểu khu B1.3. Sóc Trăng cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, hướng dẫn khai thác cát sông tầng sâu tại mỏ MS11 để phục vụ các dự án giao thông trọng điểm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đang hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác lại 7 khu vực để bù đắp khối lượng cát còn thiếu so với chỉ tiêu được Chính phủ giao là 3 triệu m3.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố đang đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục khai thác cát tại 3 mỏ trọng điểm là An Nhơn, Ngũ Hiệp 1 và Ngũ Hiệp 2. Việc khai thác các mỏ này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến độ các dự án đường cao tốc trên địa bàn. Cần Thơ còn đề nghị Tiền Giang xem xét hỗ trợ nguồn cát còn thiếu để bảo đảm tổng trữ lượng khoảng 4,7 triệu m3 như đã cam kết.
Tính toán thêm phương án cát biển
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây, lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL đã phân tích, làm rõ nguyên nhân và nêu giải pháp khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc xác định, khai thác nguồn vật liệu đắp nền đường cao tốc.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu rà soát, tổng hợp trữ lượng, chất lượng, công suất các mỏ cát theo tiến độ từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho những công trình đường cao tốc ở ĐBSCL.C.Linh
Bình luận (0)