Chúng ta đã trả giá quá lớn cho sự vô trách nhiệm đối với an toàn phòng cháy chỉ trong một thời gian ngắn. Nỗi mất mát trong vụ cháy chung cư Carina vào năm 2018 làm 13 người mất mạng chưa nguôi thì kế đến lại xảy ra vụ cháy karaoke ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội làm 3 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) hy sinh.
Trước đó, hàng loạt vụ cháy khác như ở xưởng sản xuất tại huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) làm chết 8 người, cháy ở karaoke đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) làm chết 13 người…
Theo thống kê của của cơ quan chức năng, trong năm 2021 toàn quốc xảy ra đến 2.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người. Còn trong những tháng đầu năm 2022 xảy ra hơn 850 vụ cháy làm chết 78 người. Những thiệt hại về nhân mạng không gì đo đếm nổi đã nói lên đầy đủ sự yếu kém về công tác PCCC hiện nay.
32 người mất mạng trong ngọn lửa thiêu rụi quán karaoke ở Bình Dương. Đồ hoạ: Anh Thanh
Hãy nhìn lại quá khứ, ngọn lửa là cội nguồn của sự phát triển nhưng cũng là sự hủy diệt nặng nề nhất đối với nhân loại. Trong tâm thức chung, lửa là sức mạnh không lường được và tôn thờ trang trọng trong hệ thống tín ngưỡng. Nỗi ám ảnh của hỏa hoạn theo suốt loài người nên các chính quyền dù xa xưa luôn quy định nghiêm ngặt việc phòng hỏa.
Tại Việt Nam dễ tìm thấy nhất là Bộ luật Hồng Đức, có gần 10 điều quy định về phòng hỏa, cụ thể: Ở kinh thành để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà mình thì bị phạt 80 trượng, nếu cháy sang nhà hàng xóm bị phạt 80 trượng, bêu riếu trước công chúng 3 ngày, phạt 10 quan tiền sung công. Các bộ luật khác như "Lê triều hội điển", "Hoàng Việt luật lệ"… đều quy định nghiêm ngặt phòng lửa và đưa vào tội hình.
Phòng cháy là trách nhiệm cực kỳ quan trọng phải được gánh vác bởi toàn dân. Với mật độ dân số ngày càng cao, sản xuất - kinh doanh ngày càng phát triển thì nguy cơ gây cháy càng lớn và thực tế đã chứng minh chúng ta trả giá càng đau xót.
Trong những vụ việc cụ thể gần đây, nhiều vụ cháy xảy ra ở quán karaoke, chúng ta thấy lỗi của chủ cơ sở đã rõ ràng, không tuân thủ quy định PCCC. Thế nhưng, lỗi này không phải khó thấy và luôn được kiểm tra thường xuyên thì không thể bỏ qua trách nhiệm của các cơ quan chức năng sở tại. Trách nhiệm này được nhắc tới trong nhiều vụ việc trước đây nhưng ít khi được nêu cụ thể từng người, từng cơ quan và càng ít xử lý theo đúng trách nhiệm và chức năng được giao. Những vi phạm như trên kéo dài và cứ lặp đi lặp lại khiến người dân hiểu rằng công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở mất an toàn đã bị xem nhẹ đến mức đáng âu lo.
Trách nhiệm cụ thể đang được cơ quan công an điều tra nhưng từ vụ việc đau xót này, các cơ quan hữu trách cần đánh giá lại toàn diện công tác PCCC hiện nay. Hãy nhìn những rệu rã đã có ở cơ sở, nhận thấy những yếu kém từ công tác kiểm tra, cấp phép, quản lý… để khắc phục bằng được những yếu kém và nâng tầm công tác này cho tương xứng với sự phát triển hiện tại.
Nói cho cùng, hỏa hoạn uy hiếp bất cứ ai và không lường được ai là nạn nhân kế tiếp.
Bình luận (0)