Có từ thời bao cấp, sổ hộ khẩu được xem như một "giấy thông hành" đặc biệt quan trọng với các gia đình. Cuốn sổ hộ khẩu được các gia đình gìn giữ như là thứ quý giá nhất trong nhà bởi mọi thủ tục hành chính liên quan tới nhân thân đều liên quan tới sổ hộ khẩu, tới đâu cũng phải "trình" ra. Thế nhưng, sổ hộ khẩu ngày càng bộc lộ những bất cập, nhất là cản trở quyền của người dân đã được quy định trong Hiến pháp như quyền tự do đi lại, cư trú, làm việc, quyền có nhà ở…
Theo quy định tại điều 38 của Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng. Khi sổ hộ khẩu đã "hoàn thành sứ mạng", các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip.
Cũng từ luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022, trong đó bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi… Khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ, trong số này có CCCD.
Ai ai cũng thở phào cho rằng trút được nỗi e ngại về một thủ tục hành chính khi cuốn sổ hộ khẩu bị "khai tử", song thực tế đang diễn ra không phải như vậy.
UBND TP Hà Nội trước phản ánh của dư luận đã có văn bản chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra công vụ để chấn chỉnh. Đây là việc làm cần thiết, song thiết nghĩ còn chưa đủ. Để thủ tục hành chính thực sự không còn "hành" dân, cần chỉ rõ và chế tài những cá nhân, đơn vị, cơ quan còn tiếp tục có những yêu cầu không đúng quy định pháp luật, gây khó cho dân.
Bình luận (0)