Chiều 16-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri là cán bộ, hội viên hội nông dân, chủ doanh nghiệp, HTX kinh doanh nông sản.
Các cử tri nêu các kiến nghị liên quan việc triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị Cần Thơ; tăng mức hỗ trợ để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn; tín dụng ưu đãi cho nông dân; hỗ trợ và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và đầu ra nông sản…
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngoài 8 chương trình, cơ chế tín dụng ưu đãi với nông nghiệp, nông sản, nhất là lúa gạo và thủy sản chung cho cả nước, ngành ngân hàng còn triển khai thêm 4 chương trình, cơ chế tín dụng ưu đãi dành riêng cho ĐBSCL. Như vậy, có tổng cộng 12 chương trình, cơ chế ưu đãi với nông nghiệp khu vực này.
Tại ĐBSCL, tín dụng đối với lĩnh vực lúa gạo đạt khoảng 116.438 tỉ đồng - chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc, tăng 11,01% so với cuối năm 2023. Riêng TP Cần Thơ, dư nợ lúa gạo đạt 20.912 tỉ đồng - tăng 13,6% so với cuối năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ rất quan tâm vấn đề tín dụng. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo và ngành ngân hàng đã, đang triển khai nhiều chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có vùng ĐBSCL.
Đáng chú ý, gói tín dụng với lâm - thủy sản có số vốn lúc đầu chỉ khoảng 15.000 tỉ đồng, nhưng do giải ngân tốt đã tăng lên 30.000 tỉ đồng và đang tiếp tục tăng lên khoảng 40.000 tỉ đồng. Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng này lên khoảng 50.000 - 60.000 tỉ đồng.
Liên quan Nghị quyết 45/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, cử tri Nguyễn Minh Lâm, hội viên Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ, phản ánh sau 2 năm thực hiện, một số cơ chế, chính sách chưa được triển khai. Đơn cử là dự án Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Ông Lâm đề nghị thông tin tiến độ dự án này, nêu lý do thực hiện chậm?
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ chậm do đây là mô hình thí điểm mới. Việc xây dựng phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó phải xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành... mất nhiều thời gian.
Ghi nhận phản ánh của cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ là mô hình mới. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện đề án. "Có trung tâm để giao dịch, chế biến, xuất khẩu là rất quan trọng. Cần Thơ phải là trung tâm dịch vụ, chế biến, cung cấp giống cho ĐBSCL" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)