Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao - Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam - nêu kinh nghiệm về vấn đề này.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt rất khó tìm kiếm lợi thế cạnh tranh vì cái gì mình có, đối thủ ngoại cũng có, thậm chí nhiều hơn. Thị trường mà doanh nghiệp Việt có mặt thì đối thủ cũng hiện diện nhờ sự phát triển của thương mại điện tử.
Các thị trường lớn hiện nay có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa những thương hiệu lâu đời và mới nổi, cả trong và ngoài nước, tập trung vào cuộc chiến về giá khi các yếu tố khác tương đương.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thị trường, vẫn có các ngách cho những chủ mới bắt đầu khởi nghiệp. Chẳng hạn, người ở chung cư luôn có nhu cầu đưa đón trẻ đi học và phụ huynh không bao giờ yên tâm giao cho xe ôm công nghệ mà chỉ tin tưởng những người họ quen biết. Hay dịch vụ giữ trẻ từ khi hết giờ học ở trường đến lúc phụ huynh đi làm về, với giá dịch vụ trong thời gian này có thể cao hơn cả tiền học chính khóa. Vào mùa Tết, bánh chưng, bánh tét có thể khách không mua nhưng có nhu cầu trải nghiệm gói bánh để con trẻ hiểu biết về truyền thống...
Hiện nay, một lĩnh vực được đánh giá là còn trống, cạnh tranh ít là phục vụ "dân số bạc" - tức những người trên 60 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy từ năm 2036, Việt Nam bước vào giai đoạn "dân số già" với hơn 20% trên 60 tuổi. Thị trường này rất phân mảnh, đa dạng nhu cầu và các nhà kinh doanh chỉ cần phục vụ một ngách nhỏ là có thể sống tốt. Ví dụ, thời trang cho "dân số bạc" theo kiểu các cửa hàng may đo riêng cho từng khách hàng; giày cao gót không đau chân dành cho người bị bệnh khớp…
Nhiều hãng thời trang dành cho người trung niên, người ngoại cỡ (big size) đã xuất hiện nhưng vẫn dùng theo chuẩn người mẫu nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của "dân số bạc" đang phát triển nhanh trong thời gian tới. Đây có thể là một hướng ra cho ngành thời trang đang rất khốc liệt hiện nay.
Bình luận (0)