Sáng 22-1 (tức ngày 23 tháng Chạp), nhiều người dân đổ về các ao, hồ trên địa bàn TP Hà Nội để thả cá tiễn ông Công, ông Táo về Trời.
Theo quan niệm từ xưa, vào ngày này, các Táo Quân sẽ cưỡi cá chép về trời để báo cáo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình suốt một năm qua với Ngọc Hoàng. Vì vậy, người dân thường thả cá chép sống xuống sông, hồ với hi vọng các Táo sẽ có "phương tiện" thuận lợi để thực hiện hành trình linh thiêng này.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại hồ Tây (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), từ sáng sớm 22-1 (tức 23 tháng Chạp), nhiều người dân đã đến ven hồ để thả cá. Lực lượng công an phường, an ninh cơ sở, dân quân tự vệ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên và hội phụ nữ đã phối hợp hỗ trợ thu gom cá của người dân vào các thùng đựng, đưa lên xe chuyên dụng và thả ra sông Hồng, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên.
Theo chia sẻ từ lực lượng chức năng, nước tại hồ Tây hiện đang trong tình trạng ô nhiễm, khiến việc thả cá xuống hồ tiềm ẩn nguy cơ cá không thể sinh tồn, thậm chí góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm nước. Trước thực trạng này, UBND quận Tây Hồ đã thiết lập 25 địa điểm nhằm tuyên truyền và hỗ trợ người dân mang cá ra thả tại sông Hồng, góp phần bảo vệ môi trường.
Việc làm này của lực lượng chức năng nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Chị Nguyễn Thị Thanh (trú tại phường Thuỵ Khuê) cho rằng việc tổ chức điểm thu gom và hỗ trợ người dân thả cá là hợp lý. Việc này vừa không ô nhiễm, vừa đảm bảo cá sống cũng như giữ gìn phong tục thả cá sao cho ý nghĩa.
Tương tự, ông Đỗ Mạnh Hùng (trú tại quận Tây Hồ) nói: "Việc thả cá trong ngày này không chỉ là giữ gìn phong tục, mà còn là cách để chúng ta cầu mong cho một năm mới bình an, may mắn. Tôi thấy lực lượng chức năng làm như thế này vừa bảo vệ môi trường, vừa thể hiện sự tôn trọng với thiên nhiên, tôi cảm thấy việc thả cá càng ý nghĩa hơn".
Bình luận (0)