Người đàn bà bí ẩn xuất hiện giữa khu vườn với dải băng tang trắng trong những đêm trăng tròn. Cô nhà báo trẻ viết về khảo cổ học đi thực tế tình cờ phát hiện bí mật chôn giấu suốt hơn 30 năm trên cánh đồng muối trắng. Sự chờ đợi sắt son, những nghiêng ngả của thời gian, những chia cắt sinh tử vẫn không thể nào làm cho tình yêu trung trinh nhạt phai trong trái tim thủy chung của người phụ nữ...
Sau những khắc họa lắng đọng về thân phận của người phụ nữ trong phim truyện 13 bến nước (đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim lần thứ 16 và Cánh diều bạc 2009), nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền lại tiếp tục rong ruổi đi tìm hành trình tâm thức thẳm sâu trong trái tim người phụ nữ thời hậu chiến qua bộ phim Vũ khúc ánh trăng – sẽ dự giải Cánh diều 2010.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền (đứng) trên trường quay phim Vũ khúc ánh trăng (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhũng câu chuyện đẹp về phụ nữ
Chiến tranh đã lùi xa vào quá vãng nhưng vẫn còn đó những con người sống với nỗi ám ảnh thương đau của quá khứ. Vẫn còn có những bi kịch nằm lẩn khuất đâu đó giữa những vội vã của đời. Và câu chuyện của Đặng Thái Huyền (kịch bản: Nguyễn Thu Dung; Hãng phim Quân đội sản xuất) như là một cú lội ngược dòng về quá khứ, ở đó vẫn còn đầy những ẩn uất, đầy những mất mát, hy sinh.
Đặng Thái Huyền là nữ đạo diễn trẻ hiếm hoi (sinh năm 1982) của làng điện ảnh Việt hiện nay, được giới chuyên môn đánh giá cao về tay nghề. Bởi trước khi đảm nhận vị trí “đầu tàu”, nữ sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật điện ảnh và truyền hình này đã theo chân làm trợ lý, phó đạo diễn cho các đoàn phim: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Giải phóng Sài Gòn, Tiếng cồng định mệnh...
“Tôi muốn kể những câu chuyện đẹp về hình ảnh của người phụ nữ. Tất cả những nhân vật của tôi đều là những người mang trong trái tim mình tình yêu và sự hy sinh đến tận cùng dành cho người mà họ yêu thương. Và nhân vật Như trong Vũ khúc ánh trăng mang nét đẹp mênh mông trong sự hy sinh bất tận. Sự tàn phá của chiến tranh, sự xa cách về mặt không gian, sự chia lìa giữa sự sống và cái chết. Tất cả sẽ được hàn gắn bởi tình yêu, lòng chung thủy, sự hy sinh. Đó cũng chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà tôi muốn gửi gắm trong bộ phim này” – đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ.
Sống chết với nghề
Đối với Đặng Thái Huyền, đạo diễn nữ chỉ “thua thiệt” những ông “vua trường quay” là vấn đề sức khỏe. Không ít lần Huyền ngất xỉu trên trường quay vì nắng, vì áp lực công việc nhưng với chị, “nếu như đã có niềm đam mê, tinh thần cống hiến và quyết “lao vào với điện ảnh đến cùng” thì sẽ không có khó khăn nào đủ ngăn trở bước chân của nữ đạo diễn cả”.
Nhiều người gọi đùa rằng đây là “thời của Huyền Cinema” – biệt danh của Đặng Thái Huyền, vì thấy chị cứ hết dự án phim truyền hình lại xoay sang phim điện ảnh, hết ra Bắc lại vào Nam và đêm cũng như ngày, lúc nào cũng miệt mài với phim trường, kịch bản. Hiện tại, chị đang gấp rút thực hiện bộ phim truyền hình dài 30 tập Ở rể (Hãng phim Nhật Anh sản xuất) cho kịp tiến độ lên sóng vào giữa năm nay.
Đặng Thái Huyền cười khiêm tốn, nói rằng có thể đây là thời của các đạo diễn trẻ nói chung, nhiều dự án phim được thực hiện, lớp trẻ có cơ hội nắm bắt và thử tay nghề của mình.
“Khi nhận bất cứ phim na, tôi không bao giờ phân biệt đó là phim truyền hình hay phim điện ảnh, tôi chỉ tự hỏi kịch bản đó có cuốn hút tôi, có làm tôi cảm thấy mình muốn sống chết và sáng tạo hết mình với tác phẩm đó hay không. Tôi muốn kéo gần ranh giới giữa nghệ thuật và giải trí để hướng tới mọi đối tượng khán giả. Tuy nhiên, giữa mong muốn và hiện thực là một khoảng cách. Và thay vì ngồi đó nghĩ và mong muốn, tôi và các đạo diễn trẻ khác sẽ phải nỗ lực để biến điều đó thành sự thật” – Đặng Thái Huyền bày tỏ.
Và thái độ tận tâm đó cũng là lý do khiến chị không bị cuốn vào “dòng xoáy phim truyền hình” như hiện nay. Dấn thân vào điện ảnh, Đặng Thái Huyền nói rằng chị sẽ “sống chết với nghề” cho đến khi nào đó thật sự cần phải... chậm lại.
Câu chuyện về tình yêu bất tử, đau đớn
Người đàn bà tên Như (do diễn viên Thu Hường - Nhà hát Kịch Việt Nam thủ diễn) giữ một tình yêu đẹp đằng đẵng suốt bao nhiêu năm, ngay cả khi nhận được giấy báo tử của người yêu (Hải, diễn viên Minh Phụng đóng) – người chiến sĩ đã để lại lời hẹn ước trước khi lên đường hành quân vào miền Nam chiến đấu nhưng đã mãi mãi không về.
Như vẫn sống lặng lẽ trên cánh đồng muối Hải Đông, vẫn một tình yêu bất tử với Hải. Ngay khi nghe tin người yêu hy sinh, Như một mình tổ chức đêm tân hôn đặc biệt của mình với người đã khuất. Cô trở lại lều muối, nơi hò hẹn với người yêu trước lúc lên đường năm xưa, tưởng tượng đêm đó Hải trở về cùng cô đắm say trong hạnh phúc lứa đôi.
Hai người yêu nhau say đắm trên cánh đồng muối mênh mông, tinh khiết. Hạt muối cứ như làm chứng nhân cho tình yêu của họ, khắc mãi vào lòng như lời hẹn ước: Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau...
Ngûúâi đàn bà cứ thế sống và yêu trong âm thầm, tôn thờ, hoang dại và đau đớn với một người chồng chưa bao giờ hiện hữu. Chị không biết rằng Hải vẫn còn sống và trong ngần ấy năm, dù đã có một mái gia đình khác nhưng anh vẫn đau đáu nhớ về người cũ. Nhưng Hải chưa bao giờ dám trở về đối diện với Như – mặc cảm tật nguyền của người chiến sĩ năm nào đã đưa tình yêu vào bi kịch... |
Bình luận (0)