Jack Ma - ông vua thương mại điện tử của Trung Quốc
Jack Ma tình cờ biết đến Internet trong một chuyến đi đến Mỹ vào giữa những năm 1990. Ông đã gõ cụm từ “Chinese beer” vào một công cụ tìm kiếm, nhưng không một kết quả nào hiện ra. Và ông đã nhìn ra cơ hội.
Jack Ma khởi nghiệp Alibaba năm 1999, phục vụ các doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm khách hàng và nhà cung cấp mà không phải thông qua dịch vụ môi giới đắt đỏ. Alibaba.com giờ đây có 57 triệu người dùng, hầu như trên khắp toàn cầu. Alibaba có vẻ giống như eBay, nhưng nó giống với một trang vàng trực tuyến hơn.
Một vụ đầu tư khác của Jack Ma là Taobao.com, lại phục vụ người tiêu dùng. Taobao đã có 300 triệu khách hàng và đã lưu chuyển lượng hàng hóa trị giá 29 tỷ USD trong năm 2009. Trên Taobao, người bán có thể bán mọi loại hàng hóa và trên trang này, bất kỳ ai với một số nhận dạng (ID) Trung Quốc đều có thể bán bất kỳ thứ gì cho bất kỳ ai. Taobao kiếm tiền bằng hoạt động quảng cáo.
Các nhân viên Alibaba có thể tự hào về những ngành nghề kinh doanh mà họ đã “làm mối” cho mọi người. Chẳng hạn, các doanh nghiệp nhỏ muốn kết nối với thị trường toàn cầu bằng cách tốn ít chi phí nhất. Các nhà sản xuất máy ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Anh sử dụng Alibaba để tìm kiếm các nhà cung cấp rẻ ở Trung Quốc mà không phải đến tận đất Trung Hoa. Người mua cũng có thể đọc các nhận xét mà người khác đã viết ra về mỗi người bán, để tìm hiểu và tìm kiếm những người kinh doanh nghiêm túc, có uy tín.
Doanh trại của Alibaba ở Hàng Châu trông giống với các văn phòng ở Silicon Valley. Kiến trúc thoáng và rất phong thủy. Nhân viên có thể chơi bóng bàn và mát-xa miễn phí. Alibaba được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các hãng nước ngoài, đó là Yahoo của Mỹ và Softbank của Nhật. Nhưng dù thế, Alibaba vẫn không được điều hành như một công ty phương Tây. Cho đến giữa những năm 1990, Internet đã có mặt ở hầu hết khắp thế giới, nhưng vẫn còn ít ở Trung Quốc. Vì thế, quá trình khởi nghiệp rất khó khăn với Ma. Tuy nhiên, giờ đây ông lại nhìn ra cơ hội ở khắp mọi nơi.
Trung Quốc có hàng triệu doanh nghiệp nhỏ nhưng hệ thống tài chính khiêm tốn. Để mở rộng lưu lượng các website, Ma thiết lập hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay vào năm 2004. Alipay hiện có 470 triệu người dùng trên toàn thế giới và có hơn 500.000 doanh nghiệp Trung Quốc chấp nhận nó. Tại một số thành phố Trung Quốc, mọi người có thể dùng Alipay để thanh toán hóa đơn tiền điện.
Ma cũng đã lập ra một dịch vụ là Ali-loan. Ông không cho vay tiền, nhưng hợp tác với các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng không biết liệu cho một doanh nghiệp nhỏ vay tiền có tin cậy hay không, thì Ma, ngược lại, nắm vững những thông tin, dữ liệu về việc những doanh nghiệp nhỏ đó có khả năng thanh toán đúng hạn hay không. Theo Alibaba, dịch vụ này dự đoán sẽ phát triển nhanh.
Tất nhiên, Alibaba cũng gặp không ít trở ngại. Đầu tiên, thị trường Internet Trung Quốc rất cạnh tranh và phát triển nhanh. Baidu, công cụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc, vẫn chưa tấn công Alibaba, nhưng một ngày nó sẽ tấn công. Thứ hai, mức lương dành cho những kỹ sư và nhà quản lý xuất sắc đang tăng mạnh. Thứ ba, trong quá trình phát triển, Alibaba đã phải bỏ qua nhiều cơ hội kiếm tiền. Các dịch vụ chính của hãng đều miễn phí, người bán chỉ trả tiền cho những dịch vụ “ăn thêm”, như trả tiền để được hiện trên đầu bảng kết quả tìm kiếm. Ma nói điều này không thể vội. Nhưng các nhà đầu tư không muốn đợi. Vì thế, Alibaba.com, đã niêm yết một phần trên thị trường chứng khoán, hứa sẽ trả một phần cổ tức 140 triệu USD trong tháng 1/2011.
Alibaba có nguồn tài sản khổng lồ: đó chính là nguồn dữ liệu mà hãng thu thập được về thói quen chi tiêu của những người dân trung lưu mới nổi Trung Quốc. Nhưng hãng rất kín tiếng về việc sẽ dùng những dữ liệu này như thế nào, và khẳng định sẽ không vi phạm riêng tư của mọi người.
Dĩ nhiên là có nhiều cách để Alibaba có thể kiếm tiền từ những gì hãng biết. Một ý kiến có thể là sử dụng dữ liệu khách hàng để nhận biết các xu hướng và giúp các công ty dự đoán người tiêu dùng muốn gì. Chỉ một lượng nhỏ dữ liệu chính xác ở Trung Quốc cũng rất có giá trị.
Bình luận (0)