Ngày 12-12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Nghị quyết đặt ra lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2025-2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Từ năm 2031 trở đi, một số khu vực trên địa bàn thành phố phải thực hiện vùng phát thải thấp (quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị quyết).
Khu vực thực hiện vùng phát thải thấp này chỉ cho phép lưu thông các phương tiện không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông trong vùng phát thải thấp của cơ quan có thẩm quyền.
Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền khu vực phát thải thấp đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp; đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các đơn vị chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch hoặc phương tiện giao thông không phát thải.
Cùng ngày, HĐND TP Đà Nẵng tiếp tục kỳ họp lần thứ 21 với phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, đại biểu dành nhiều thời gian chất vấn về việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thừa nhận các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố hiện nay có tỉ lệ triển khai còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng vì nhiều lý do. Trong đó, có những dự án mất thời gian 3 năm chỉ để thực hiện thủ tục kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư. Gần đây, Trung ương đã tháo gỡ những khó khăn liên quan các thủ tục trên.
"Ngoài ra, còn có khó khăn về năng lực và tiếp cận nguồn vốn. Điển hình, toàn TP Đà Nẵng chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội xin tiếp cận nguồn vốn 120.000 tỉ đồng của Chính phủ, trong đó chỉ 1 dự án được thông qua" - ông Phong thông tin.
Bình luận (0)