Việc này đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân.
Chị Hoàng Thị Yến (trú quận Hoàng Mai) cho biết chị thường xuyên sử dụng phương tiện xe buýt để đi làm nhưng xe chạy bằng xăng dầu nên tiếng ồn của động cơ rất lớn và mùi khó chịu. Từ khi tuyến xe buýt điện số 05 đưa vào vận hành, chị được tận hưởng cảm giác êm ái khi di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và không còn bị say xe do dị ứng mùi xăng. "Đi xe buýt điện rất văn minh, sạch sẽ và thoải mái. Tôi hy vọng Hà Nội sẽ có thêm nhiều tuyến xe buýt điện khác để người dân có thể di chuyển thuận lợi, giúp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường" - chị bày tỏ.
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, cho biết cuối năm 2024, UBND thành phố đã phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn". Đề án nhằm đưa ra kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 876/2022.
TP Hà Nội đặt mục tiêu tỉ lệ xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh đến năm 2030 đạt 70%-90%, đến năm 2035 đạt 100%, sớm hơn 15 năm so với yêu cầu tại Quyết định 876/2022. Số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe - chiếm 5% tổng số phương tiện; giai đoạn 2025-2030 là 1.813 xe - bằng 93,4% tổng số phương tiện; giai đoạn 2031-2035 là 238 xe.
![Xe buýt điện được đưa vào vận hành tại TP Hà Nội. Ảnh: CHI NGUYỄN Xe buýt điện được đưa vào vận hành tại TP Hà Nội. Ảnh: CHI NGUYỄN](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/9/10-phu-1739106497813498450574.jpg)
Xe buýt điện được đưa vào vận hành tại TP Hà Nội. Ảnh: CHI NGUYỄN
Về mục tiêu "xanh hóa" 100% xe buýt vào năm 2035, ông Nguyễn Phi Thường cho biết TP Hà Nội đã nhận diện cụ thể từng khó khăn, thách thức. Cụ thể, cả nước hiện chỉ có Vinbus là đơn vị duy nhất sử dụng xe điện sức chứa lớn (68 hành khách) do VinFast sản xuất. Với các chủng loại xe trung bình và nhỏ, một số đơn vị đã nghiên cứu nhập khẩu hoặc lắp ráp song hiện vẫn chưa có phương tiện hoàn chỉnh được đưa vào hoạt động và cung cấp phổ biến trên thị trường.
"Việc chuyển sang xe buýt điện cần mức tiêu hao năng lượng lớn, tập trung ở khu vực có điểm đầu cuối, depot. Điều này đòi hỏi ngành điện phải đánh giá quy hoạch, nâng cấp nguồn cung để bảo đảm cung cấp đủ điện cho hệ thống trạm sạc" - ông Thường nêu rõ.
Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2024 đã đưa ra nhiều định hướng quan trọng về chuyển đổi giao thông xanh. Trong đó, khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới như hệ thống giao thông thông minh và xe điện; ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho dự án phát triển giao thông xanh... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Bình luận (0)