UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa phát động cuộc thi thiết kế cột mốc Km0 thuộc dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Phải lấy ý kiến người dân
Mục đích cuộc thi là để tìm kiếm phương án thiết kế một biểu tượng văn hóa của thủ đô, một điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, cho biết đây là công trình ghi dấu vị trí địa lý - Km0, mang ý nghĩa văn hóa và thuộc thể loại công trình nghệ thuật công cộng.
Nhiều nhà khoa học tranh luận về cột mốc Km0 đặt ở khu vực hồ Hoàn Kiếm
Vị trí xây dựng công trình cột mốc Km0 được ban tổ chức đưa ra: khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay; phía bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ngoài ra, người dự thi có thể đề xuất 1 vị trí cho cột mốc Km0 trong khuôn khổ dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đây là những vị trí đã được cân nhắc nhiều năm, có nhiều ý kiến đồng thuận của các nhà kiến trúc, mỹ thuật, sử học, đô thị... Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều ý kiến tranh luận.
KTS Cao Xuân Hưởng - người chủ trì đồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được phê duyệt năm 1996 - cho rằng việc bổ sung thêm Km0 là đi ngược với quy hoạch này. Từ năm 1996 đã có cuộc thi về cột mốc Km0, Trường ĐH Kiến trúc được giải thưởng với thiết kế công trình này ở Nhà khách Chính phủ. Nhiều người dân Hà Nội coi Bưu điện bờ hồ chính là Km0, do đó không nên bó buộc vị trí đặt cột mốc Km0 tại 3 vị trí trên. Dọc trục tượng đài Lý Thái Tổ đã có quá nhiều công trình, nếu thêm vào rất rối mắt. Phía vườn hoa nơi đang đặt đồng hồ Thụy Sĩ, đang thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng, nên bỏ đi chứ không nên thêm vào.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nhận định hồ Hoàn Kiếm là khu vực linh thiêng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Năm 1996 khi quy hoạch hồ Hoàn Kiếm được ban hành, có trên 40 dự án đầu tư xây dựng ngầm, nổi quanh hồ làm cho dư luận căng thẳng nên đến nay chỉ có chưa đến 10 công trình được xây dựng. Cuộc thi này nên mở rộng các địa điểm để phát huy tính sáng tạo. Đặc biệt, sau khi thi phải tổ chức lấy ý kiến người dân bởi kinh nghiệm cho thấy "không công trình nào có thể xây dựng được ở hồ Hoàn Kiếm mà không có ý kiến của người dân".
Điểm nhấn của cả nước
KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam (hội đồng giám khảo cuộc thi), cho biết về vị trí đặt cột mốc tạm thời sẽ giữ nguyên để tổ chức cuộc thi. Các ý kiến về vị trí khác sẽ được hội đồng tiếp thu, kiến nghị lên UBND quận Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội. Chắc chắn sau khi có những ý tưởng tốt từ cuộc thi, ban tổ chức sẽ tổ chức triển lãm, lấy ý kiến nhân dân về các biểu tượng.
Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định cột mốc Km0 của Hà Nội phải là công trình điểm nhấn không chỉ của thủ đô mà còn của cả nước, là địa điểm thu hút du khách. Do vậy, phương án kiến trúc phải có tính thẩm mỹ cao, độc đáo, phù hợp với thủ đô ngàn năm văn hiến.
Về hình thức cột mốc Km0, KTS Nguyễn Thúc Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, nêu quan điểm không nên làm cột mốc là hình khối nổi, chỉ cần đặt nằm phẳng trên mặt đất giống như cột mốc Km0 của nước Pháp đặt trước sân nhà thờ Đức bà Paris hay việc ghi danh ở đại lộ bên Mỹ.
Ngoài ra, nhiều KTS khác cũng đồng quan điểm cột mốc Km0 khả năng sẽ là phương án làm khối âm, thấp, lõm xuống so với mặt đường vì ở khu vực hồ Hoàn Kiếm không nên làm thêm công trình gì đặc biệt, to lớn, không nên có sự can thiệp vào không gian kiến trúc chung. Khu vực này làm gì cũng phải rất thận trọng, phải giữ được cảnh quan cũ của hồ Hoàn Kiếm.
Tạo ra những giá trị mới cho Hà Nội
TS-KTS Emmanuel Cerise, Viện PRX vùng thủ đô Paris, cho rằng vấn đề giảm tải cho hồ Hoàn Kiếm hay thêm các công trình vào khu vực này chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế, không phải bây giờ mới nói rằng hồ Hoàn Kiếm có quá nhiều thứ rồi thì chỉ có bỏ đi chứ không thêm vào. Cột mốc Km0 sẽ tạo ra những giá trị mới cho hồ Hoàn Kiếm và cho Hà Nội, là thông điệp cho các thế hệ sau. "Hà Nội là thành phố có lịch sử ngàn năm. Khi thiết kế cột mốc Km0 không nhất thiết phải dựa trên lịch sử ngàn năm đó. Cứ coi như dự án này là điểm khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử mới của Hà Nội, của lịch sử ngàn năm tiếp theo" - KTS Emmanuel Cerise bày tỏ.
Bình luận (0)