Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự kiến khai mạc ngày 23-10. Dự thảo luật này được xây dựng với nhiều nội dung mới, trong đó có các quy định nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho Hà Nội trong thực hiện các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cơ chế, chính sách vượt trội
Theo Bộ Tư pháp, từ yêu cầu thực tiễn của Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quản lý, thực hiện.
Chính phủ đề xuất phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, từ tổ chức bộ máy, thu hút nhân tài đến lĩnh vực đầu tư... Ảnh: HỮU THẮNG
Dự thảo luật bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung do Chính phủ quy định. Cùng với đó, phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND TP Hà Nội.
Để tạo sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển địa phương. Ngoài ra, dự thảo luật cũng trao quyền cho Hà Nội về tổ chức bộ máy…
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho rằng dự thảo luật hướng tới xây dựng các nhóm cơ chế, chính sách vượt trội, phân cấp, phân quyền cho thành phố để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay. Theo bà Mai, cần có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội trong các lĩnh vực về đầu tư, quy hoạch, quản lý đất đai, bộ máy - cán bộ để tạo sự chủ động cho thành phố.
Trong lĩnh vực đầu tư, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh sự cần thiết về việc phân quyền cho Hà Nội khi quyết định chủ trương đầu tư một số dự án với tiêu chí rõ ràng. Tại dự thảo luật, HĐND TP Hà Nội được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỉ đồng, các dự án liên tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, đề xuất phân quyền cho Hà Nội còn mở rộng phạm vi áp dụng phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Theo TS Lê Đăng Doanh, khi được chủ động quyết định chủ trương đầu tư, TP Hà Nội sẽ tháo gỡ được những ách tắc hiện nay về quy trình, thủ tục, tiết kiệm được thời gian "trình xin ý kiến", đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là với các dự án giao thông đô thị.
Kiểm soát quyền lực, tăng cường trách nhiệm
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho Hà Nội là rất cần thiết.
Việc này cũng tương tự Quốc hội đã cho phép TP HCM thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98 được thông qua ở kỳ họp thứ 5. Với hai "đầu tàu" Hà Nội và TP HCM, việc trao quyền cho các thành phố này chủ động thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư, đặc biệt là tổ chức bộ máy, nhân sự, sẽ là động lực quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo TS Nguyễn Ngọc Bích, Phó Bộ môn Luật Hành chính, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường ĐH Luật Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân quyền cho TP Hà Nội trong việc tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ rất cụ thể, như thành lập một số cơ quan chuyên môn, về chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
"Đây là tiền đề bảo đảm cho Hà Nội có bộ máy chính quyền phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cũng như phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh hợp lý nhất với yêu cầu phát triển thủ đô" - bà nhận xét.
TS Nguyễn Ngọc Bích cũng đồng tình với việc phân quyền cho Hà Nội quyết định các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại thủ đô. Theo bà, so với các địa phương trong cả nước, mức chi phí của Hà Nội đắt đỏ hơn, nhu cầu trong sinh hoạt và làm việc cũng cao hơn.
"Nếu mức lương, thu nhập không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, Hà Nội khó giữ ổn định được lao động trong khu vực công. Thu nhập thấp cũng dễ làm nảy sinh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ" - TS Nguyễn Ngọc Bích đánh giá.
Đi đôi với việc phân quyền, phân cấp cho TP Hà Nội, vấn đề kiểm soát quyền lực và tăng cường trách nhiệm cũng được đặt ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khi hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng giao trách nhiệm lớn cho chính quyền thành phố. Lĩnh vực phân quyền phải bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.
Đề xuất Hà Nội được giữ 100% tiền sử dụng đất
TS Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nhận xét dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất các quy định mang tính đặc thù trong việc huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển thủ đô.
Ông Hoạt đồng tình với quy định ngân sách Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án, công trình trọng điểm, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)...
Bình luận (0)