Ngày 20-4, lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 chính thức diễn ra tại tỉnh Ninh Bình với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm". Đây là sự kiện được kỳ vọng là đòn bẩy giúp ngành du lịch phục hồi, phát triển trở lại sau thời gian dài tê liệt do đại dịch Covid-19.
Phấn đấu đón 7 triệu lượt khách
Là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với 1.821 di tích (trong đó có 81 di tích cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới và 260 lễ hội truyền thống) nên không khó để Ninh Bình được nhiều tạp chí danh tiếng bình chọn là một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam. Giai đoạn 2010-2019, số lượt khách đến Ninh Bình tăng trưởng bình quân trên 10% mỗi năm. Trong năm 2019, tỉnh này đã đón 7,65 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt trên 3.600 tỉ đồng.
Du khách tham quan danh thắng Tràng An
Tuy nhiên, năm 2020, ngành du lịch Ninh Bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Năm Du lịch quốc gia 2020 được tỉnh này đăng cai cũng phải hủy nên lượng khách trong năm cũng chỉ đón được trên 2,6 triệu lượt, tổng thu đạt gần 1.600 tỉ đồng (đạt 34,3% về lượt khách và 43,1% về tổng thu so với kế hoạch năm 2019, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 21,4%).
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết địa phương luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế với 3 loại hình du lịch chủ đạo: tâm linh, sinh thái và di tích lịch sử. Ninh Bình cũng là nơi được lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn tầm quốc gia, quốc tế. Vì thế, năm 2021, địa phương tiếp tục được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chọn để tổ chức Năm Du lịch quốc gia. "Đây là thời điểm thích hợp để phục hồi và đẩy mạnh các hoạt động du lịch nội địa, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát. Do đó, Năm Du lịch quốc gia 2021 là cơ hội lớn nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch đặc sắc vốn có của Ninh Bình và phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới" - ông Mạnh nhận định.
Năm 2021, Ninh Bình phấn đấu đón 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 0,5 triệu lượt khách quốc tế; 6,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 3.500 tỉ đồng. Đến năm 2025, tỉnh kỳ vọng đón 8-9 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế; 6,5-7,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 8.000 tỉ đồng. "Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển" - ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết.
Nhiều sản phẩm du lịch mới độc đáo
Ông Bùi Văn Mạnh cho biết ngoài các hoạt động chính của Năm Du lịch quốc gia 2021 được tổ chức tại Ninh Bình, còn có các hoạt động hưởng ứng tổ chức tại các tỉnh, TP như: Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Quảng Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng...
Cũng theo ông Mạnh, năm Du lịch quốc gia 2021 cũng là cơ hội để ngành du lịch phục hồi và bứt phá sau đại dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; xây dựng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của thị trường khách du lịch trong tình hình mới, từ Ninh Bình và lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, Ninh Bình đang từng bước phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có tính cạnh tranh và đặc biệt phải bảo tồn được các giá trị tự nhiên, văn hóa và môi trường... hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. "Trước mắt, để phục hồi du lịch Ninh Bình sẽ tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa, hướng tới các thị trường có khả năng chi trả cao (nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa...), chú trọng các thị trường quốc tế cao cấp như Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ..." - giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ.
Đáng chú ý, trong Năm Du lịch quốc gia 2021 tại Ninh Bình, một số sản phẩm du lịch mới được địa phương này đưa vào khai thác, được kỳ vọng sẽ tạo đà bứt phá cho du lịch phục hồi như: tham quan trải nghiệm cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan); Memorina Ninh Bình Farmstay (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn), Vedana Ninh Bình Resort (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan), đồng cừu của HTX Vân Long (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn), trải nghiệm biển Cồn Nổi (huyện Kim Sơn)... Đây đều là những hoạt động du lịch trải nghiệm mới lạ ở Ninh Bình, từ những khu vui chơi đẳng cấp 5 sao đến những điểm đến gần gũi với đời sống thường nhật ở các làng quê.
Trong đó, đặc biệt nhất là sản phẩm du lịch tham quan cơ sở gấu trong môi trường bán hoang dã chỉ có ở Ninh Bình. Đây là nơi tiếp nhận và chăm sóc trọn đời những cá thể gấu từ các trại nuôi tư nhân được tự nguyện chuyển giao hoặc bị tịch thu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, nhằm góp phần hướng tới chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam.
Không thể tách rời với vùng, khu vực
Để phù hợp với bối cảnh trong nước và hội nhập toàn cầu, Ninh Bình đã có những định hướng cụ thể cho việc phát triển du lịch trong tương lai. Ngoài những đường hướng đã được hoạch định, Ninh Bình khẳng định phát triển du lịch không thể tách rời mối liên kết với các tỉnh, TP trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước nói chung và xa hơn là mối liên kết hợp tác quốc tế theo tuyến hành lang Đông - Tây.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng chú trọng đến lợi ích cộng đồng dân cư, bảo đảm người dân được tham gia, làm chủ và hưởng lợi từ hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
Bình luận (0)