Theo thông tin được đăng tải, một phụ huynh có con học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết con của mình cùng 8 bạn khác trong lớp đã nhận được "lời khuyên" từ giáo viên chủ nhiệm là "không nên thi vào lớp 10 công lập". Cô giáo cho rằng học lực của các học sinh này không thể tiến bộ và không thể thi đỗ lớp 10 công lập, vì thế, theo cô giáo chủ nhiệm, phụ huynh không nên cho con đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập.
Hiện tượng "ép" học sinh có học lực yếu kém không thi vào lớp 10 công lập thường râm ran mỗi dịp đăng ký nguyện vọng mỗi kỳ thi chuyển cấp quan trọng này ở Hà Nội. Thế nên, ngay khi có thông tin xôn xao trên, các cơ quan chức năng ở thành phố đã vào cuộc, yêu cầu làm rõ.
Sự việc ngay sau đó được xác định xảy ra tại một lớp 9 của Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân). Theo giải thích của cô giáo chủ nhiệm, cô chỉ mời 9 phụ huynh ở lại sau một cuộc họp để "bàn biện pháp giúp các con nâng điểm số trong kỳ thi tới vì lực học cũng như điểm thi thử chưa tốt". Tuy nhiên, phụ huynh lại hiểu sai, hiểu lầm, nghĩ là cô không cho thi vào lớp 10 công lập.
Cũng như những năm trước đây, dư luận xôn xao, thậm chí bức xúc vì việc nhà trường, giáo viên "ép" học sinh học lực yếu không thi vào lớp 10 công lập vẫn chỉ dừng lại ở… dư luận. Song không thể phủ nhận thực tế rằng dù là dư luận sao năm nào cũng lại bàn về việc này với địa chỉ trường lớp rõ ràng.
Thực tế, các phụ huynh và giới chuyên môn cùng chung nhận định rằng thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội khó khăn, căng thẳng chẳng kém gì thi vào đại học. Điều này dễ hiểu bởi số lượng học sinh hết cấp THCS nhiều nhưng khả năng tiếp nhận ở bậc THPT thấp hơn khá nhiều. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, năm học 2022-2023, dự kiến toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, các trường THPT công lập chỉ nhận khoảng 72.000 học sinh, chiếm tỉ lệ 55,7%, tức 44,3% học sinh phải học trường tư thục hay trường giáo dục thường xuyên…
Cho dù ngành giáo dục TP Hà Nội cùng các trường đều khẳng định không vì "bệnh thành tích", đồng thời nghiêm cấm việc "ép" học sinh không thi vào lớp 10 công lập, song việc chỉ có hơn nửa số học sinh lớp 9 không tiếp tục học trường công lập khi lên lớp 10, tức không thi đậu vào lớp 10 công lập, cũng ảnh hưởng nhất định tới thương hiệu, uy tín của lớp, của trường có tỉ lệ học sinh "trượt" lớp 10 công lập cao.
Làm rõ việc có hay không chuyện "ép" học sinh không thi vào lớp 10 công lập là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Dư luận về việc này xem ra khó hết khi mà các trường THPT của thành phố chỉ có khả năng tiếp nhận hơn một nửa số học sinh lớp 10 như hiện nay.
Bình luận (0)