Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW đã hoàn tất hội nghị cuối cùng lấy ý kiến xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết nghị quyết và dự thảo nghị quyết mới nhằm tạo cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSH trong tương lai.
Phát triển công nghiệp, công nghệ cao...
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, ông Nguyễn Duy Hưng, cho biết về mục tiêu đến năm 2030-2045, vùng ĐBSH dự kiến có nền cơ cấu kinh tế hiện đại; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh, kết nối... Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, IoT… Hình thành một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới…
TP Hải Phòng, một cực kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng .Ảnh: THẾ DŨNG
Tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Góp ý về định hướng phát triển vùng ĐBSH, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ và bộ, ngành chức năng sớm hoàn thành thẩm định, lập phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đáng chú ý, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị trung ương sớm có giải pháp xây dựng Hà Nội nói riêng và vùng ĐBSH nói chung trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ cao của cả nước. Ông Thanh thông tin: Đã có tập đoàn của Hàn Quốc muốn chuyển dịch sản xuất chip bán dẫn sang Việt Nam và muốn có cơ chế ưu đãi cụ thể. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết Tập đoàn Samsung, LG cũng bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam hình thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải góp ý Nghị quyết mới về phát triển vùng ĐBSH cần định hướng để hoàn thiện thể chế kinh tế, trong đó làm rõ hơn kinh tế vùng, là cơ sở tạo điều kiện cho các địa phương mạnh dạn và được quan tâm hơn. Từ cơ chế, chính sách mới sẽ tạo điều kiện hình thành các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn tại Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết sẽ có đề xuất chính sách ưu đãi cụ thể phát triển công nghiệp khi xây dựng Luật Phát triển công nghiệp sắp tới. Đồng tình với Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54 khi đưa ra khái niệm "Hành lang công nghiệp", Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng các địa phương cần lưu ý nội dung này trong quá trình quy hoạch. "Ý tưởng "Hành lang công nghiệp" cần được cụ thể hóa vào trong các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để liên kết cùng phát triển" - ông An nhấn mạnh.
Hình thành khu thương mại tự do
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải… đề xuất thành lập Trung tâm thương mại tự do (còn gọi là Khu thương mại tự do) tại một số địa phương trong vùng ĐBSH nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng nhanh. Ông Lê Khắc Nam mong muốn nghị quyết mới cần tạo cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ủng hộ phát triển các khu kinh tế mở tại Quảng Ninh, Hải Phòng và một số địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết tỉnh cũng có chủ trương phát triển khu kinh tế mới. Để làm được thì cần quỹ đất rất lớn, vì vậy cần mạnh dạn thay đổi quyết sách sử dụng đất nông nghiệp, đất lúa tại ĐBSH để tạo ra sự chuyển dịch lớn về kinh tế - xã hội. "Khi làm quy hoạch ĐBSH, không nên đóng khung mà cần tính toán nhằm tạo ra không gian đủ lớn để tạo ra những khu thương mại tự do, khu kinh tế mở… Những mô hình đủ mạnh, quy mô lớn này sẽ là lực đẩy cho sự phát triển chung" - ông Ngô Đông Hải kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An bày tỏ sự ủng hộ khi cho rằng cần có cơ chế đặc thù hình thành các trung tâm thương mại tự do. Thứ trưởng Đặng Hoàng An góp ý cần làm rõ quy hoạch vùng, bố trí không gian phát triển cho vùng để tránh đứt đoạn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết về đề xuất mô hình tương tự như Trung tâm thương mại tự do cũng được nêu trong nghị quyết nhằm tính tới mô hình đột phá. Tuy nhiên, đề xuất này phải làm rõ nội hàm và rút kinh nghiệm mô hình đặc khu kinh tế đã từng được đề xuất trước đây để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định. "Chúng ta đã có bài học về đề xuất xây dựng mô hình đặc khu kinh tế ở Quảng Ninh nhưng sau đó chưa đi đến kết quả cuối cùng. Vậy trong nghị quyết vùng này, chúng ta có tính đến mô hình hay giải pháp có tính đột phá như vậy hay không, nếu có thì ở mức độ nào?" - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đặt vấn đề.
Bình luận (0)