Nhằm đánh thức "mỏ vàng" của mình, những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều hướng đi, cách làm hay để từng bước đưa du lịch trở thành một trong những ngành mũi nhọn của địa phương trong tương lai gần. Thanh Hóa đã xây dựng các tuyến, tour du lịch của tỉnh nối với những điểm du lịch nổi tiếng, các di sản thế giới trong khu vực như Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình... và cả nước bạn Lào nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch bền vững.
Hết dịch sẽ triển khai ngay
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa và Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề tới ngành du lịch của 2 địa phương này những tháng đầu năm 2020. Các khu, điểm du lịch tạm dừng hoạt động; tình trạng khách hủy tour, hủy dịch vụ lên tới 95%... khiến lượng du khách giảm tới 70% tại 2 địa phương này.
Dịch bệnh Covid-19 khiến cho "Năm du lịch quốc gia 2020" dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 tại Ninh Bình phải tạm hoãn, kéo theo đó là hàng loạt sự kiện, chương trình tầm cỡ quốc gia cũng phải hủy, tạm dừng. Các lễ hội lớn đầu Xuân hằng năm tại Ninh Bình và Thanh Hóa như lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Bà Triệu, lễ hội Mai An Tiêm... luôn thu hút hàng vạn du khách cũng không thể diễn ra như dự kiến.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh nằm trong tour kết nối du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa
Trước thực trạng trên, ngành du lịch 2 địa phương này đã có nhiều giải pháp để kích cầu du lịch nhằm thu hút, lôi kéo du khách trở lại. Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết sở đã có nhiều giải pháp để vực dậy ngành du lịch. Các kịch bản, chương trình đều được ngành hoạch định, chuẩn bị xong. Cái khó là tất cả đều trên lý thuyết, bởi chưa biết khi nào dịch bệnh mới thực sự kết thúc.
Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như: thực hiện các chương trình kích cầu bằng cách đánh thẳng vào tâm lý của khách hàng - giảm giá hàng loạt dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, dịch vụ vận tải, lữ hành..., trong đó có nhiều dịch vụ giảm tới 50%. Thanh Hóa còn xây dựng chương trình đón các đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát, kết nối xây dựng tour du lịch đưa khách về tỉnh; tham gia các hội chợ du lịch để quảng bá tiềm năng, điểm đến du lịch hấp dẫn của mình tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ... Theo sở này, mọi việc đã sẵn sàng, khi hết dịch là triển khai thực hiện ngay.
Kỳ vọng bứt phá
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cho biết địa phương có nhiều điểm du lịch nổi tiếng nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Ngoài bãi biển Sầm Sơn mỗi năm đón hàng triệu lượt khách, các điểm du lịch nổi tiếng khác như: Thành nhà Hồ, di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyệt đạo thiêng núi Nưa, suối cá thần... vẫn chưa thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách nước ngoài.
Vì thế, để phát triển du lịch bền vững, Thanh Hóa đã có nhiều cách làm mới, táo bạo nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Trong việc xây dựng những tour du lịch kết nối các vùng di sản, danh lam thắng cảnh của Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình với Thanh Hóa, tỉnh này nhắm vào trọng tâm là 2 di sản thế giới Tràng An và Thành nhà Hồ.
"Di sản thế giới Tràng An ở Ninh Bình hằng năm có hàng triệu lượt du khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc tới tham quan. Tuy nhiên, lượng du khách này đến Thanh Hóa lại rất ít, đặc biệt là tới các điểm du lịch phía Tây Bắc của tỉnh. Thấy được điều này, chúng tôi đã xây dựng chương trình kết nối du lịch giữa 2 địa phương để kéo lượng khách đến Ninh Bình ghé Thanh Hóa" - bà Yến giải thích.
Theo bà Yến, Thanh Hóa còn phối hợp với Ninh Bình và các công ty lữ hành xây dựng tour du lịch trọng điểm kết nối Tràng An với Vườn Quốc gia Cúc Phương, di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, Thành nhà Hồ, suối cá thần, Pù Luông... Đây là những điểm gần Ninh Bình, quãng đường di chuyển không xa nên rất thuận lợi cho du khách.
Trong năm 2019, Thanh Hóa đã đưa vào khai thác 1 tour du lịch kết nối với nhiều địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình và sang nước bạn Lào, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Cụ thể, tour du lịch này kết nối các tỉnh, thành phía Bắc với Thanh Hóa rồi sang huyện Viang Xai, tỉnh Houaphanh - Lào. Viang Xai giáp với huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, có địa thế núi cao hiểm trở với gần 500 hang động độc đáo. Nơi đây còn có hang Kaysone Phomvihane, một di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng tuyệt đẹp.
Rất nhiều tour đã đi vào hoạt động, kết nối với huyện Viang Xai như: Từ TP Thanh Hóa/Sầm Sơn đến di sản thế giới Thành nhà Hồ - suối cá Cẩm Lương - Pù Luông - bản Ngàm - Viang Xai; TP Thanh Hóa/Sầm Sơn - Khu Di tích lịch sử Lam Kinh - động Bo Cúng - bản Ngàm - Viang Xai; Hà Nội - Mai Châu (Hòa Bình) - bản Ngàm - Viang Xai; Hà Nội - Tràng An - Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) - suối cá thần Cẩm Lương - bản Ngàm - cửa khẩu Na Mèo - Viang Xai và cánh đồng Chum - Xiengkhuang...
"Chúng tôi kỳ vọng việc xây dựng các điểm đến, kết nối di sản, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm sẽ giúp du lịch địa phương bứt phá, tạo được thương hiệu, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước" - bà Yến bày tỏ.
Đầu tư nhiều dự án du lịch tầm cỡ
Ngoài Tập đoàn FLC đã đầu tư và đưa vào hoạt động một chuỗi khu nghỉ dưỡng 5 sao tại TP Sầm Sơn, thời gian gần đây, du lịch Thanh Hóa còn đón nhận nhiều dự án du lịch lớn.
Cụ thể: Tập đoàn Flamingo đầu tư quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến với diện tích 1.350 ha tại huyện Hoằng Hóa; Tập đoàn Sun Group ký cam kết đầu tư 11.000 tỉ đồng để biến Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh) thành một điểm du lịch nổi tiếng c ủa cả nước...
Bình luận (0)