Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở khu vực phía Bắc được đầu tư khá đồng bộ, theo hướng hiện đại, tập trung vào các công trình có tính kết nối vùng, liên vùng, góp phần thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tăng kết nối
Hiện có 10 tuyến đường bộ cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác, giúp tăng kết nối giữa thủ đô và hơn 10 tỉnh, thành phía Bắc như: Láng - Hòa Lạc, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Bắc Giang - Lạng Sơn.
Tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thông xe ngày 15-1, rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông của phương tiện từ Lạng Sơn đến Hà Nội và ngược lại Ảnh: Quang Thành
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình quy mô 4 làn xe, kết nối chuyển tiếp với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và điểm cuối ở TP Ninh Bình (Ninh Bình). Toàn tuyến dài 50 km, đưa vào sử dụng từ năm 2011 với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỉ đồng. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc nối cửa ngõ thủ đô với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 265 km, đưa vào sử dụng toàn tuyến từ tháng 9-2014, tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD. Dự án đi qua 5 địa phương gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Lào Cai còn 3,5 giờ so với 7 giờ trước đây. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai không chỉ kết nối các vùng kinh tế khó khăn, chậm phát triển của 4 địa phương dọc tuyến với các vùng kinh tế năng động mà còn là tuyến "kinh tế xương sống" cho cả khu vực Tây Bắc.
Khánh thành cuối năm 2015, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km, có điểm đầu giao cắt với vành đai 3 Hà Nội, điểm cuối tại cảng Ðình Vũ (TP Hải Phòng), là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, cho phép xe lưu thông với tốc độ 120 km/giờ. Tuyến này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Bộ, không những giúp các phương tiện đi từ Hà Nội đến Hải Phòng còn khoảng 1 giờ so với 2,5 giờ trước đây, mà còn giải tỏa ách tắc cho Quốc lộ 5, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hải Phòng và thủ đô cũng như các tỉnh thành khác, tạo điều kiện thông thương thuận lợi và thu hút đầu tư.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỉ đồng, được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2018. Phát biểu tại lễ thông xe năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là một đột phá quan trọng của 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, vì không chỉ phát huy giá trị cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà còn thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mở thêm những không gian và cơ hội phát triển kinh tế lớn khác.
Mới đây nhất là tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thông xe ngày 15-1, dài 64 km, rộng 25 m, 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác đã rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông của phương tiện từ Lạng Sơn đến Hà Nội và ngược lại. Đây là tuyến huyết mạch nối hành lang kinh tế quan trọng Hà Nội - Lạng Sơn.
Phát triển giao thông liên vùng
Năm 2018, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Dự án được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, đặc biệt khi một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp tại Sa Pa hoàn thành, rút ngắn thời gian đi từ Lào Cai đến Sa Pa và ngược lại. Tổng chiều dài toàn tuyến là 29,2 km với tổng mức đầu tư 2.518 tỉ đồng.
Đầu tháng 12-2019, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, theo hình thức BOT. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với mạng lưới giao thông trong khu vực, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc; bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Tại hội nghị bàn về đề án kết nối mạng giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức mới đây, trong danh mục các dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư thì lĩnh vực đường bộ chiếm số lượng áp đảo với 8 dự án cao tốc, 44 dự án quốc lộ, tổng mức đầu tư khoảng 95.454 tỉ đồng.
Về đường sắt có 2 dự án được đề xuất, gồm: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và Cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Về hàng không có 3 dự án được đề xuất gồm: Nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ; Xây dựng giai đoạn 1 Cảng Hàng không Sa Pa (Lào Cai); Khôi phục Cảng Hàng không Nà Sản (Sơn La).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2025, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi phía Bắc; rút ngắn thời gian lưu thông, giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh và mở rộng giao thương hàng hóa, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Rất bí bách?
Ông Đinh Quang Tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần ưu tiên đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Chợ Mới trong giai đoạn 2021 - 2025, bởi Bắc Kạn chưa có tuyến đường cao tốc nào chạy qua. "Nếu được đầu tư tuyến đường cao tốc nối Bắc Kạn với Hà Nội, trong khoảng 10 năm nữa, khả năng Bắc Kạn không cần trung ương cấp ngân sách chi thường xuyên. Hiện chúng tôi rất bí bách, các nhà đầu tư lên Bắc Kạn tìm hiểu xong chẳng bao giờ quay lại vì họ không thể đầu tư trong điều kiện chưa có đường cao tốc đi qua tỉnh" - ông Tuyến nói.
Bình luận (0)