Thông qua mạng lưới liên kết du lịch, Quảng Ninh và Hải Phòng đã và đang khẳng định vị thế là trung tâm du lịch của Việt Nam, đang thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, hai địa phương này đã chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, thu hút nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ...
Đẩy mạnh liên kết du lịch
Ở Quảng Ninh, TP Hạ Long đang gấp rút hoàn thiện và triển khai phương án phát triển du lịch trọng điểm trên địa bàn; trong đó tu sửa, khai thác tuyến tham quan núi Bài Thơ gắn với các di tích, điểm tham quan chùa Long Tiên và đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, nhà chờ phà, cụm Ba Đèo, nhà thờ Hòn Gai, chợ Hạ Long I... Bên cạnh đó, bàn giải pháp nâng cao giá trị chùa Lôi Âm; thiết lập tuyến, kết nối các điểm tham quan liên thông giữa vịnh Hạ Long với khu vực núi, rừng, gắn với tăng cường hiệu quả các chợ; phương án xây dựng tuyến phố đêm, phố đi bộ. TP Móng Cái phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch gắn với tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh, Hải Phòng ngày càng đông
Cùng với địa phương, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết xây dựng các sản phẩm độc đáo, với mức chi tiêu cao, khai thác tối đa hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế, cùng nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn, phù hợp thị trường có nhu cầu du lịch golf cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết năm 2023, du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu; thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh, đề án tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô.
Quảng Ninh chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác; giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ những sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh…
Theo ông Thủy, Quảng Ninh luôn chú trọng đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong nước, nhất là các tỉnh, thành phố lân cận nhằm hỗ trợ, phát huy lợi thế, khai thác nguồn lực hợp lý để phát triển du lịch. Tỉnh đã ký kết hợp tác với nhiều tỉnh - thành, trong đó gần nhất là Hải Phòng để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính liên vùng.
Để hoàn thành mục tiêu đón 8 - 8,5 triệu lượt khách, TP Hải Phòng đẩy mạnh khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch foodtour Hải Phòng gắn với phát triển bền vững sản phẩm Hải Phòng city tour. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch Hải Phòng trên các nền tảng số (website, Fanpage, TikTok, Instagram, YouTube...) và thông qua phát động, tổ chức các cuộc thi ảnh đẹp, "check in" du lịch Hải Phòng nhằm thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Nghiên cứu phát triển thị trường Hàn Quốc kết hợp với khai thác đường bay Hải Phòng - Busan của Công ty CP Hàng không Vietjet.
Tiếp tục tổ chức phân loại, xếp hạng tàu thủy lưu trú du lịch hoạt động trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu du lịch của thành phố, tiến tới quản lý thống nhất hoạt động vận tải khách du lịch tham quan giữa vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)…
Hợp tác để cùng phát triển
Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hải Phòng, cho biết là hai địa phương giáp ranh với nhiều điểm tương đồng trước xu thế liên kết vùng, hợp tác cùng phát triển, gần đây Hải Phòng và Quảng Ninh đã cùng nhau tháo gỡ những bất cập, khúc mắc liên quan phát triển du lịch giữa hai địa phương - từ liên kết trong quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến đến phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường kinh doanh. Xây dựng Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hạ Long (Quảng Ninh) trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Việc đệ trình UNESCO thành công hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là một trong những dấu mốc quan trọng khẳng định sự phối hợp hiệu quả, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Nếu được ghi danh, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà sẽ trở thành di sản thế giới nối dài đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu sự kiện đầu tiên của hai địa phương về liên kết quản lý vùng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, trước xu thế hợp tác cùng phát triển giữa các địa phương, Hải Phòng và Quảng Ninh không ngừng tăng cường liên kết vùng, cùng tạo dựng hành lang phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội nói chung; bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nổi bật của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà nói riêng, từng bước đưa du lịch khu vực phát triển mạnh mẽ, bảo đảm tính bền vững cùng phát triển những giá trị văn hóa.
Hai địa phương đã thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác để phát triển ngành du lịch; xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước với hoạt động của phương tiện vận chuyển hành khách, khách du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ; hoàn thiện các phương án để thống nhất thời gian vận chuyển khách, tăng thời gian tham quan, lưu trú và bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường biển giữa Hạ Long và Cát Bà; phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long - Cát Bà.
Bình luận (0)