"Thủ phạm" gây ngập đầu tiên được chỉ ra ngay là do mưa lớn. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong khoảng 2 giờ vào chiều 29-5 vừa qua, lượng mưa đo được tại trạm Láng (quận Đống Đa) là 138 mm, vượt mốc lịch sử 132,5 mm ngày 18-6-1986. Trong khi đó, mưa tới 170 mm trong 2 giờ tại quận Cầu Giấy là lớn nhất theo số liệu quan trắc từ trước đến nay, ứng với chu kỳ khoảng 100 năm xuất hiện một lần... Mưa lớn xối xả hiếm thấy đã tạo thành khoảng 100 chiếc "ao", "hồ" kích cỡ, nông sâu khác nhau trên các tuyến phố, con đường của Hà Nội.
Lý giải về nguyên nhân khiến nhiều nơi ở Hà Nội ngập nặng trong cơn mưa lớn đầu mùa, vị tư lệnh ngành môi trường cả nước có cho rằng mưa lớn dồn dập tập trung vào một thời điểm như vậy thì không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được, kể cả ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu... chứ không riêng Hà Nội.
Tất nhiên, không ai phủ nhận mưa lớn trong khoảng thời gian 2 giờ là một nguyên nhân gây ngập nặng mới đây ở Hà Nội. Song đó chỉ là một nguyên nhân, còn nhiều nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là đồng "thủ phạm" trong lần ngập gây phiền toái và thiệt hại vật chất không nhỏ cho người dân ở thủ đô.
Trước hết là do hệ thống thoát nước ở Hà Nội vốn chủ yếu dựa trên hệ thống cũ dùng chung để thoát cả nước thải và nước mưa. Khu vực trung tâm thành phố vẫn dựa vào hệ thống thoát nước xây từ thời Pháp cách đây gần một thế kỷ. Những khu vực đô thị phát triển "nóng" ở Hà Nội thời gian qua có hệ thống thoát nước không đồng bộ, thiết kế bất cập... Nhiều khu vực thoát nước mưa nhờ vào việc tự chảy ra kênh, mương, sông ở ngoại thành.
Trong khi đó, nhiều dự án thoát nước quy mô cho Hà Nội lại vừa chậm tiến độ vừa thiếu đồng bộ nên chưa thể vận hành. Do đó, hễ cứ mưa lớn là cư dân thủ đô lại ngay ngáy lo lắng bị ngập, ảnh hưởng không nhỏ việc đi lại, học hành, làm ăn.
Bồi thêm vào nguyên nhân gây ngập mỗi khi mưa lớn ở Hà Nội là diện tích ao, hồ, cây xanh bị thu hẹp đáng kể thời gian qua. Từ năm 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Hà Nội đã giảm hơn 200 ha, làm hạn chế thẩm thấu, chứa nước tự nhiên nên cứ mưa khoảng 100 mm trong thời gian ngăn là tuyến phố Hà Nội lại biến thành sông.
Tầm nhìn quy hoạch đô thị là một nguyên nhân quan trọng. Đô thị Hà Nội đang phát triển nóng song công trình, nhà cửa xây cất bên trên lại lệch xa so với hệ thống thoát nước.
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan, trong đó mưa lớn vượt các kỷ lục trước đây, là điều đã được dự báo. Người dân cũng biết điều này, nói gì những người làm công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch. Bởi thế, nếu việc này mà không có tầm nhìn xa, e rằng cứ mưa là ngập là do con người chứ không phải là do ông trời.
Bình luận (0)