Như vậy, tuyến đường sắt đô thị này đã có một mốc thời gian rất cụ thể, có thể xem như hạn chót, để chính thức đưa vào vận hành, khai thác thương mại sau nhiều lần lỗi hẹn và đội vốn. Dự án được khởi công ngày 10-10-2011, cách đây 10 năm, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2014. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, dự án đường sắt đô thị trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đã lỡ hẹn tới 10 lần.
Không chỉ vậy, dự án cũng bị đội vốn rất lớn. Từ tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 8.770 tỉ đồng (hơn 552 triệu USD), dự án đã điều chỉnh, nâng tổng mức đầu tư lên 18.002 tỉ đồng (hơn 868 triệu USD, vào năm 2017). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc 13.867 tỉ đồng (hơn 669 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (hơn 198 triệu USD).
Nếu như những lần dự án lỡ hẹn thời gian đầu là do vấn đề chậm trễ bàn giao giải phóng mặt bằng, xây lắp… thì sau này là do "một số vấn đề tồn tại về chất lượng", như lời của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Dự án đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị từ tháng 8-2018 và từ đó tới nay là thời gian để cân chỉnh đồng bộ vận hành thử kỹ thuật, vận hành thử nghiệm và nghiệm thu. Thời gian hơn 3 năm này còn dài hơn thời gian kể từ khi khởi công (10-2011) tới dự kiến hoàn thành (6-2014).
Việc dự án đường sắt đô thị trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông nhiều lần lỡ hẹn và đội vốn chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh tế của dự án. Với một dự án là công trình giao thông trọng điểm ở một thành phố lớn bậc nhất của cả nước và có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội thì ảnh hưởng không chỉ về kinh tế mà còn những tác động khác mà khó có thể cân đo đong đếm được.
Việc tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ đã khiến việc giải bài toán giao thông đô thị vốn đã khó càng thêm khó. Không chỉ làm những vấn đề trước mắt trầm trọng thêm như tắc nghẽn giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, mà còn tác động rất lớn tới việc hiện đại hóa giao thông đô thị cho phù hợp với sự phát triển của thủ đô, ảnh hưởng tới các giải pháp căn cơ khác là phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân…
Nhìn ra thế giới, hướng tới một đô thị lớn văn minh, hiện đại, người dân Hà Nội từ lâu đã trông chờ tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành. Sự trông đợi với những lần hụt hẫng này diễn ra suốt nhiều năm qua. Hy vọng lần này, tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ không lỗi hẹn với thời hạn ngày 10-11.
Bình luận (0)