Ngày 3-8, đại diện Công ty CP Truyền thông VietArt cho biết sẽ có đơn kháng cáo sau khi TAND TP Hà Nội bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện hành chính vụ công ty này kiện Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, chậm cấp phép chương trình biểu diễn nghệ thuật Ngôi sao phương Nam số 10 - vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh", khiến VietArt thiệt hại số tiền lớn.
VietArt không ngạc nhiên mà "thất vọng"
Bà Đoàn Thúy Phương, Tổng Giám đốc VietArt, cho biết công ty đã nộp hồ sơ thông báo biểu diễn nghệ thuật (thủ tục xin cấp phép biểu diễn) chương trình Ngôi sao phương Nam số 10 - vở "Tiếng trống Mê Linh" trước hơn 3 tháng. Song, 12 ngày trước thời điểm biểu diễn, Sở VH-TT Hà Nội mới thông báo chấp thuận.
Phiên tòa xét xử vụ Công ty VietArt kiện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội .Ảnh: LAN ANH
Trong 3 tháng đó, VietArt đã 3 lần bổ sung, nộp lại hồ sơ mới được chấp thuận biểu diễn ở thời điểm quá muộn khiến công ty không kịp quảng cáo bán vé. Công ty này sau đó chỉ bán được 200 trong tổng số 1.100 vé của 2 đêm diễn.
"Tôi không ngạc nhiên khi tòa tuyên Sở VH-TT Hà Nội đã tuân thủ đúng pháp luật. Nhưng tôi vô cùng thất vọng với phán quyết này vì thực tế, một thủ tục mà pháp luật quy định giải quyết chỉ trong 5 ngày thì VietArt phải chịu tới hơn 2 tháng mới có trong tay giấy phép. Tôi rất buồn khi HĐXX đưa ra lý do chúng tôi không có khiếu nại trong quá trình thực hiện thủ tục để làm căn cứ cho rằng hành vi của sở là đúng pháp luật" - bà Phương bày tỏ.
NSƯT Kim Tử Long cho rằng chủ trương của nhà nước là khuyến khích, ủng hộ và hoan nghênh các chương trình nghệ thuật truyền thống. Vậy mà, "Tiếng trống Mê Linh" - tôn vinh công lao đời đời của Bà Trưng, Bà Triệu - do gặp sự phiền hà trong vấn đề cấp phép khiến vở diễn không được quảng bá, tiếp cận nhiều hơn đến khán giả.
"Chúng tôi là những người làm nghệ thuật truyền thống. Loại hình nghệ thuật này kén khán giả nên chúng tôi rất cần sự quan tâm, khuyến khích, ủng hộ của nhà nước và các cấp lãnh đạo đối với các vở diễn về đề tài lịch sử. Nếu không, chúng tôi chỉ làm các chương trình theo thị hiếu khán giả để kiếm tiền. Không được ủng hộ như vậy, tâm tư nghệ sĩ chúng tôi thấy rất buồn" - NSƯT Kim Tử Long thổ lộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc đại diện VietArt nói sẽ kháng cáo, đại diện Sở VH-TT Hà Nội cho biết tòa đã tuyên án, cần tôn trọng quyết định của tòa. "Tại Sở VH-TT, chúng tôi đã và đang thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp làm việc" - đại diện Sở VH-TT Hà Nội nhấn mạnh.
Cực chẳng đã mới kiện
Về mặt pháp lý, luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc VietArt kiện Sở VH-TT Hà Nội hay một doanh nghiệp kiện cơ quan nhà nước ở nước ta là không nhiều. Phải tới bước đường cùng thì doanh nghiệp mới làm điều đó.
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, hiện nay, nạn cửa quyền với doanh nghiệp khá nổi cộm. Có cơ quan hành chính làm việc chưa phải với tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp mà còn nhũng nhiễu, làm khó. Song, người dân, doanh nghiệp còn ngại kiện cơ quan quản lý ra tòa. Ông cho rằng doanh nghiệp hay người dân có thể kiện cơ quan quản lý ra tòa nếu thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một quận ở Hà Nội cho biết việc người dân, doanh nghiệp khởi kiện cơ quan nhà nước là quyền của họ.
"Với tư cách cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ việc người dân khởi kiện cơ quan quản lý ra tòa nếu thấy cần thiết và đúng quy định pháp luật. Đây có thể nói là cách tiếp cận văn minh, hợp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. TP Hà Nội cũng như quận luôn quán triệt tinh thần làm việc đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện tối đa để người dân, doanh nghiệp làm việc. Cán bộ luôn được quán triệt không gây phiền hà, nhũng nhiễu; thủ tục hành chính phải rút gọn, nhanh chóng" - vị này nhấn mạnh.
Theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Đảng và Nhà nước đang chủ trương hạn chế thủ tục hành chính và nghiêm cấm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm việc. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn cán bộ, cơ quan, đơn vị chưa tạo điều kiện hết sức cho người dân, doanh nghiệp; vẫn còn một số bộ phận cố tình gây khó dễ vì mục đích cá nhân hoặc có thể đòi "chung chi"…
Nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ tư tưởng này trong cán bộ, công chức, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giáo dục cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp cũng cần kịp thời phản ánh tình trạng cán bộ, đơn vị gây khó khăn, nhũng nhiễu. Nếu người dân, doanh nghiệp thấy đủ điều kiện, chứng cứ để kiện cơ quan nhà nước ra tòa thì nên mạnh dạn thực hiện.
Tại phiên họp sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn nhiều rườm rà, vướng mắc; vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Phải làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất; tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc...
Bình luận (0)