"Nhìn lại chặng đường 90 năm vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng rất đỗi vẻ vang của Đảng bộ tỉnh, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống hào hùng; trân trọng, nâng niu và gìn giữ những thành quả cách mạng đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Càng tự hào, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Thanh Hóa càng xác định rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà; xứng đáng với sự tin tưởng, mong đợi của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân" - ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, bày tỏ tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29.7.1930 - 29.7.2020).
90 năm trưởng thành và phát triển
Ôn lại truyền thống 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, ông Trịnh Văn Chiến cho biết tiếp sau sự kiện trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương có vinh dự lớn khi thành lập Đảng bộ từ rất sớm. Trải qua quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trên địa bàn tỉnh, các tổ chức cộng sản liên tiếp được thành lập.
Du khách tham quan Pù Luông - nơi phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và thiên nhiên của Thanh Hóa
Cụ thể, ngày 25-6-1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông), huyện Đông Sơn, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa ra đời. Ngày 10-7-1930, chi bộ cộng sản thứ hai ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Đến ngày 22-7-1930 tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, chi bộ cộng sản thứ ba ra đời.
Để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 29-7-1930, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị hợp nhất 3 chi bộ Đảng Cộng sản để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường phát triển của tỉnh nhà.
Từ trong máu lửa của các cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ, đã xuất hiện những tập thể, cá nhân "kiểu mẫu" trong lao động sản xuất và chiến đấu; hàng vạn người con thân yêu của quê hương luôn nêu cao tinh thần "xả thân vì nước". Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang Thanh Hóa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; 4.610 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 219 tập thể, 98 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để lãnh đạo, điều hành xây dựng và phát triển quê hương, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt. Kinh tế Thanh Hóa thời gian qua tăng trưởng nhanh và đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011-2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước vừa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Quy mô kinh tế của tỉnh tăng nhanh, năm 2020 ước đạt trên 229.000 tỉ đồng, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng khẳng định kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh là dịp để ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, bồi đắp thêm niềm tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng. Phát huy truyền thống 90 năm vẻ vang của Đảng bộ tỉnh và bề dày lịch sử hơn 990 năm Thanh Hóa, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; quyết tâm phấn đấu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện thắng lợi "khát vọng thịnh vượng" và trở thành tỉnh "kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Vun đắp sự đoàn kết thống nhất trong Đảng
Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - khẳng định trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh, gian khổ, chiến đấu kiên cường, bất khuất, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc.
Để Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian tới, ông Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân. Có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc Thanh Hóa thành nguồn lực; biến khó khăn, thách thức, nghèo khổ thành động lực để vươn lên.
Ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị Thanh Hóa xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt; coi trọng và tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Cần nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng trong khóa XII gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cửa quyền.
"Thanh Hóa cần thực hiện thật tốt công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự và các nội dung khác để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới. Giữ gìn và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; trong đó hết sức coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng" - ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng yêu cầu Thanh Hóa tiếp tục chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc ở cơ sở, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường, tham nhũng vặt. Phải thật sự chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; quan tâm để giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng miền, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc...
Thu ngân sách nhà nước của Thanh Hóa tăng đột phá và khá bền vững; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước.
Năm 2020 dự kiến thu được khoảng 30.000 tỉ đồng, gấp 2,75 lần năm 2015 và gấp gần 7,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 cả nước.
Bình luận (0)