Từ trung ương đến các địa phương liên quan đều thống nhất và quyết tâm tập trung thực hiện dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, từ đó tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội của vùng.
Dự án đột phá
Dự án Vành đai 4 dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long), đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP (đối tác công - tư) với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) sơ bộ dự kiến khoảng 85.813 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 28.200 tỉ đồng, ngân sách địa phương 28.203 tỉ đồng (TP Hà Nội 23.594 tỉ đồng, Hưng Yên 1.509 tỉ đồng, Bắc Ninh 3.100 tỉ đồng), vốn BOT 29.410 tỉ đồng.
Các tuyến đường vành đai sẽ là xương sống phát triển cho các địa phương trong vùng thủ đô Hà Nội.Ảnh: HỮU HƯNG
Nhằm giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường Vành đai 4 đi trên cao. Còn khoảng 39,13 km (Hà Nội 10,53 km, Hưng Yên 8,4 km, Bắc Ninh 20,2 km) được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Theo đại biểu Quốc hội Khuất Việt Dũng (Hà Nội), đây là dự án đột phá vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng - 1 trong 3 đột phá mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Khi tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, chúng ta đồng thời tạo ra cơ hội cũng như dư địa để thực hiện đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực.
"Dự án sẽ tham gia việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, tạo doanh thu cho một khối lượng rất lớn doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Về dài hạn, sau khi hoàn thành, dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô sẽ tạo ra cơ sở để các ngành và địa phương bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội" - ông Dũng nhìn nhận.
Bắt tay ngay vào việc
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết về tiến độ, chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Hiện TP Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan phải thiết kế sơ bộ nhanh, thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng. Quốc hội đã thông qua chủ trương, Hà Nội sẽ cùng các địa phương phát động giải phóng mặt bằng ngay.
Về nguồn vốn thực hiện, theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan, đến thời điểm này, ngân sách các địa phương cho dự án đường Vành đai 4 được bảo đảm, thông qua HĐND cấp tỉnh để phê duyệt. Bắc Ninh đã có nghị quyết của HĐND tỉnh về việc triển khai dự án. Quốc hội cần cho phép các tỉnh sử dụng nguồn dự phòng để bảo đảm triển khai dự án quan trọng này, khi nào cần thiết và thiếu thì địa phương sẽ xin ý kiến Chính phủ để triển khai nguồn trái phiếu của địa phương theo quy định. Đây là giải pháp hiệu quả và có cơ sở tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án này, vì vậy nên có cơ chế ngay về việc sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương để các địa phương triển khai thực hiện.
Lưu ý vấn đề "sốt" đất hay đầu tư đất "ăn theo" đường Vành đai 4, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận. Tuy nhiên, việc đầu tư vào khu vực này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi vì các dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian dài. Hơn nữa, cần khảo sát kỹ địa bàn, nắm rõ quy hoạch, vị trí đất có tính thanh khoản. Bởi lẽ, bài học về đầu tư đất hai bên đại lộ Thăng Long vẫn còn nguyên giá trị: Do hai bên đường được rào lại, không cho các phương tiện đỗ để bảo đảm an toàn giao thông nên bất động sản khu vực này giảm sâu so với thời điểm trước khi xây dựng tuyến đường.
Các chuyên gia bất động sản cũng cảnh báo dù tuyến đường Vành đai 4 đi qua các địa phương sẽ làm tăng sức nóng thị trường bất động sản, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới… Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc ôm đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thật quá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh "tiền mất tật mang".
Sớm triển khai các dự án liên kết vùng
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, tích cực phối hợp trên các lĩnh vực hợp tác. Hưng Yên đang tích cực phối hợp với Hà Nội để triển khai xây dựng đường Vành đai 3, 5 và cầu vượt Ngọc Hồi, đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. Liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội sẽ tăng cường liên kết của Hưng Yên với các địa phương trong và ngoài vùng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của cả vùng...
Hưng Yên kiến nghị trung ương xem xét, có cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội; ưu tiên huy động, phân bổ nguồn lực cho Hà Nội cũng như các địa phương trong vùng. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ để thúc đẩy kết nối kinh tế toàn diện Hưng Yên và các địa phương trong vùng với Hà Nội, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy các liên kết nội vùng với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trục kinh tế hướng biển Đông dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Bình luận (0)