Ngày 16-12, phóng viên Báo Người Lao Động đến khu vực công trình biệt thự số 9 lô B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) có nhiều vi phạm để ghi nhận thực tế. Tại đây, mặc dù công trình đang bị đình chỉ, bên ngoài dù đã được quây tôn kín nhưng bên trong nhiều công nhân vẫn thi công.
Chủ đầu tư "bất chấp"
Một người dân sống gần công trình này cho biết những ngày qua, các công nhân vẫn liên tục thi công bên trong công trình, xe chở vật liệu xây dựng vẫn ra vào thường xuyên. "Sáng nay (16-12), các công nhân vẫn thi công, họ đổ bê-tông thấm qua tận tường nhà tôi. Tiếng máy khoan, đục đẽo liên tục, có những hôm các công nhân làm đêm rất muộn" - một người dân phản ánh.
Nhiều công nhân vẫn thi công bên trong công trình đang bị đình chỉ. (Ảnh chụp chiều 16-12)
Khi phóng viên phản ánh thông tin đến ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, ông Hà cho biết TP Hà Nội và quận đã chỉ đạo rất kỹ về việc xử lý đối với công trình này. Việc đang đình chỉ mà vẫn thi công thì trách nhiệm thuộc UBND phường Yên Hòa, quận sẽ tiếp tục đôn đốc để xử lý.
Một lãnh đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy cho rằng "không thể chấp nhận tình trạng như thế được", đội sẽ cử cán bộ phối hợp với UBND phường xử lý nghiêm. Chủ đầu tư công trình này đã "bất chấp", nhiều năm nay trên địa bàn không có trường hợp nào như vậy. Chính quyền sẽ có biện pháp để xử lý các vi phạm của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, việc xử lý công trình vi phạm này phường "rất vất vả". Phường liên tục cử cán bộ xuống giám sát nhưng công nhân thi công bên trong nên "rất khó xử lý, lực lượng chức năng không thể vào bên trong được". Có những ngày lực lượng chức năng trực đến rạng sáng. "Chúng tôi sẽ cử lực lượng tiếp tục giám sát, đồng thời đề nghị Công an phường trục xuất toàn bộ công nhân làm việc tại đây. Những vi phạm của công trình này đã được chỉ rõ từ lâu, chính quyền đã yêu cầu đình chỉ, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung các giấy tờ theo quy định nhưng chủ đầu tư không thực hiện" - ông Quang nói.
Quận Cầu Giấy phải chịu trách nhiệm
Một lãnh đạo Sở Xây dựng tỏ ra bất ngờ với việc dù đang đình chỉ mà công trình xây dựng số 9 lô B vẫn thi công. Vị này cho rằng trách nhiệm xử lý thuộc quận Cầu Giấy, quận đã cam kết xử lý, để xảy ra tình trạng như thế là không được, quận phải chịu trách nhiệm. Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc quận xử lý và sẽ tiếp tục đôn đốc.
Về vấn đề xử lý công trình này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc công trình trên đang bị đình chỉ mà vẫn thi công thì trách nhiệm thuộc về Thanh tra Xây dựng của TP Hà Nội và của quận Cầu Giấy, trực tiếp là cán bộ cấp xã - phường, là chủ tịch UBND phường Yên Hòa.
"Tôi vẫn bảo lưu quan điểm như đã nêu trước đó về việc xử lý công trình này. Nhà nước cho anh (cán bộ trật tự xây dựng) bao nhiêu biện pháp để xử lý mà anh lại nhắc nhở qua loa. Tại sao bao nhiêu công trình xây dựng của nhà dân chỉ cần vi phạm là lực lượng này đến, lực lượng kia đến cưỡng chế ngay mà công trình này anh lại không cưỡng chế, không làm nghiêm. Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy phải có quyết định tiến hành thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ các vi phạm tại công trình này. Nếu quận không làm được thì đề nghị Thanh tra TP Hà Nội vào cuộc, phải yêu cầu chủ đầu tư công trình này dừng lại tất cả theo quyết định đình chỉ trước đó. Chủ đầu tư vi phạm mà không xử lý là trách nhiệm thuộc về chính quyền, chính quyền phải xử lý" - ông Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ.
Luật sư Nguyễn Chí Đại - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam - cho rằng trong vụ việc này chủ đầu tư đã quá coi thường pháp luật. "Chính quyền cần vào cuộc xử lý triệt để ngay vấn đề này, chủ đầu tư công trình biệt thự số 9 lô B đã bất chấp như vậy là coi thường pháp luật, coi thường chính quyền. Cần phải dừng tuyệt đối việc thi công tại công trình này nếu không sẽ gây bức xúc trong nhân dân" - luật sư Đại nói.
Buộc tháo dỡ phần vi phạm
Luật sư Thái Phương Quế (Văn phòng Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết căn cứ vào khoản 12 điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, có 3 trường hợp công trình xây dựng đang thi công buộc phải dừng thi công khi có hành vi vi phạm, trong đó vi phạm tại công trình xây dựng số 9 lô B thuộc trường hợp công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới. Thời điểm buộc dừng thi công là thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình cho người có thẩm quyền xử phạt. Hết thời hạn này mà không xuất trình giấy phép xây dựng phù hợp thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành, căn cứ vào điều 4 Thông tư số 03/2018/TT-BXD. Theo đó, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ.
Trong vụ việc này, lỗi không chỉ đến từ phía nhà đầu tư mà còn thuộc về cơ quan quản lý tại địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm. Vì vậy, cần làm rõ vấn đề có tình trạng bao che cho vi phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan hay không; vì sao lại có chuyện bất chấp quy định pháp luật để ngang nhiên thực hiện hành vi sai phạm như vậy...
Bình luận (0)