Cửa biển Phan Thiết mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào cảng cá Phan Thiết lẫn các tàu vận tải tuyến Phan Thiết - Phú Quý. Tuy nhiên nhiều năm qua, tình trạng bồi lấp tại cửa biển này diễn ra trầm trọng, chưa có hướng giải quyết. Tất cả tàu thuyền ra vào cửa biển phải canh con nước. Riêng tàu lớn thường phải thuê các thuyền nhỏ lai dắt để tránh các luồng cạn gây gãy chân vịt.
Ông Đỗ Văn Thuận, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, cho biết nếu việc nạo vét không được triển khai kịp thời trong thời gian tới, tàu thuyền hoạt động trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Phú Quý có thể bị ngừng hoạt động do độ sâu tuyến luồng hàng hải không bảo đảm. "Hiện kinh phí triển khai dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải Phan Thiết đã có nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai do đang chờ vị trí khu vực bãi chứa các chất sau nạo vét" - ông Thuận thông tin.
Tương tự, năm 2016, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý (giai đoạn 1) được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 544 tỉ đồng. Khu neo đậu tránh trú bão này quy hoạch với quy mô neo đậu 1.000 chiếc tàu thuyền trong tỉnh và các địa phương lân cận hoạt động khai thác hải sản ngư trường Nam Trung Bộ, Trường Sa… Năm 2020, dự án trên cơ bản hoàn thành nhưng do chưa thể thực hiện khâu nạo vét bồi lấp nên các tàu lớn di chuyển rất khó khăn. Hiện khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý mới đáp ứng khoảng 50% công suất thiết kế với chủ yếu là các tàu thuyền nhỏ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện trạng luồng lạch, vùng nước neo đậu, cập tàu của hầu hết cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trong tỉnh đều trong tình trạng bị bồi cạn, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu cá ra vào. Việc xã hội hóa hoạt động nạo vét, duy tu, vệ sinh luồng lạch, vũng đậu tàu ít có hiệu quả.
Bên cạnh đó, hạ tầng cảng cá tại Bình Thuận hiện chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu cho hơn 11.000 phương tiện tàu thuyền trong tỉnh, chưa tính đến phương tiện của tỉnh ngoài. Đến nay, địa phương có 4 cảng cá và 5 khu tránh trú bão (2 khu cấp vùng, 3 khu cấp tỉnh). Tuy nhiên, do thiếu vốn nên việc đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu tránh bão theo quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Các khu neo đậu tránh trú bão hiện chỉ đáp ứng được 56% đội tàu cá trong tỉnh. Việc chậm đầu tư các khu tránh trú bão tại TP Phan Thiết, thị xã La Gi và một số huyện đang gây áp lực quá tải về lượng tàu cá neo đậu, không bảo đảm an toàn cho tàu cá trong mùa mưa bão.
Tỉnh Bình Thuận được xem là một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, với năng lực khai thác bình quân 220.000 - 230.000 tấn thủy sản mỗi năm.
Bình luận (0)