Theo Sci-News, các nhà thiên văn từ Đại học Leiden (Hà Lan) đã sử dụng thiết bị hồng ngoại trung (MIRI) trên James Webb - kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới - để xác định các phân tử tiền thân của sự sống ở hai tiền sao trong tinh vân NGC 1333.
Tinh vân NGC 1333 nằm cách Trái Đất khoảng trên dưới 1.000 năm ánh sáng, ở phía Bắc chòm sao Anh Tiên. Hai tiền sao được chú ý mang tên NGC 1333 RAS 2A và NGC 1333 IRAS 23385+6053.
Tiền sao tức là những ngôi sao vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành từ không gian giữa các vì sao.
Xung quanh 2 tiền sao này là dấu hiệu đáng kinh ngạc của nhiều loại phân tử khác nhau, từ những phân tử tương đối đơn giản như methane, formaldehyde, sunfur dioxide..., đến các hợp chất phức tạp như ethanol (rượu) và axit axetic.
Chúng là những hạt giống quan trọng cho sự sống.
Qua một thời gian, các tiền sao này sẽ dần thành hình, tạo thành những ngôi sao non trẻ và có thể là một đĩa tiền hành tinh xung quanh, nơi các hành tinh lần lượt ra đời.
Trong đó, NGC 1333 IRAS 2A gây chú ý đặc biệt bởi nó là một tiền sao khối lượng thấp, thứ có thể giống với Mặt Trời của chúng ta thuở đang chập chững hình thành.
Vì vậy, nhìn vào nó cũng giống như nhìn vào quá khứ của hệ Mặt Trời, cũng là quá khứ của Trái Đất.
Khi NGC 1333 IRAS 2A xuất hiện đĩa tiền hành tinh, một hành tinh giống với địa cầu có thể sẽ hình thành. Đó là lúc các phân tử hữu cơ được kết hợp vào để tạo nên một hành tinh có sự sống.
Hơn hết, các phân tử hữu cơ được xác định cũng chính là những thứ quan trọng đối với sự sống sơ khai của chính hành tinh chúng ta, ví dụ sunfur dioxide và các hợp chất chứa lưu huỳnh khác đã được chứng minh là thúc đẩy các phản ứng trao đổi chất trên Trái Đất nguyên thủy.
Như vậy, nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics này là một bằng chứng khác cho lý thuyết ngày càng được ủng hộ: Sự sống Trái Đất - bao gồm chúng ta - có nguồn gốc từ không gian giữa các vì sao.
Bình luận (0)