. Phóng viên: Ngành giáo dục đã đi qua một năm học với nhiều kết quả đạt được. Xin Bộ trưởng cho biết, với chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng", các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025 là gì?
- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN: Năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo.
Năm học mới, với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, toàn ngành giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung triển khai ngay nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua, chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới.
Chúng tôi cũng chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm từ năm 2025 trở đi, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm chất lượng và công bằng. Hiện Bộ GD-ĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, bảo đảm chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.
. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bước vào năm cuối của hành trình đầu tiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới cũng sẽ được tổ chức. Chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cho năm học quan trọng này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông vừa qua mặc dù có nhiều khó khăn, song cũng cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.
Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD-ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11-2024. Quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá, các Sở GD-ĐT đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.
Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học đã được Bộ GD-ĐT ban hành từ rất sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần làm và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn là một vấn đề nóng của ngành giáo dục. Bộ trưởng có thể cho biết trong năm học mới, ngành giáo dục có giải pháp gì để hạn chế tối đa tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học?
- Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024-2025 số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng 19.856 giáo viên (giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000 người, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856 người). Nguyên nhân chính do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng. Ví dụ, mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc… Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo, trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của Trung ương, quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác….
. Cùng với thiếu giáo viên, tình trạng thiếu cơ sở vật chất diễn ra ở nhiều nơi. Bộ GD-ĐT quan tâm đầu tư cho giáo dục và khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa bộ trưởng?
- Một trong những mục tiêu trọng tâm sẽ được ngành giáo dục tập trung thực hiện trong năm học 2024-2025 là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư. Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông và quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.
Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm tăng cường đầu tư mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Tuy nhiên, thực tế số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao, trung bình, cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 50,63%...
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục và khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp hiện nay cần sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương, trong đó có vai trò tham mưu của các Sở GD-ĐT.
Năm học 2024-2025 sẽ là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm nên các Sở GD-ĐT cần lưu ý tham mưu xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó, các địa phương cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%...
Vinh dự lớn, thách thức cao
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với GD-ĐT. Chưa bao giờ ngành giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Năm học 2023-2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu, Bộ GD-ĐT ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua. "Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tin tưởng.
Bình luận (0)