Nhân kỷ niệm 20 năm (2004-2024) Hàn Quốc triển khai Hệ thống giấy phép lao động (EPS) cấp thị thực E-9 (thị thực làm việc không chuyên nghiệp) cho đối tượng lao động phổ thông, Ủy ban Chống Tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc (ACRC) vừa nêu khuyến nghị Bộ Việc làm và Lao động về cải thiện chương trình EPS.
Bộ Việc làm và Lao động cho biết đang tiến hành rà soát và lên kế hoạch hoàn thành cải tiến hệ thống cấp phép lao động trong khoảng tháng 12 năm sau.
Hệ thống EPS được triển khai nhằm ứng phó với tình trạng thiếu lao động ở Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng liên quan đến việc suy giảm dân số do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa dân số. Đây là hệ thống cho phép các doanh nghiệp trong nước không có khả năng thuê lao động Hàn Quốc có thể thuê người nước ngoài không chuyên nghiệp bằng cách xin giấy phép chính phủ cho tuyển dụng lao động nước ngoài.Tuy nhiên, do tình trạng thiếu nhân lực ngày càng trầm trọng gần đây nên số lượng lao động nước ngoài được tuyển dụng đang tăng lên đáng kể.
Số lượng lao động được cấp phép theo chương trình EPS đang tăng đáng kể qua các năm. Đáng chú ý năm 2023, số lượng lao động nước ngoài tăng lên đáng kể, đặc biệt là cho lĩnh vực đóng tàu. Số lượng lao động E-9 được cấp phép đã tăng từ 70.000 trong năm 2022 lên 120.000 người năm 2023 và năm nay hạn ngạch được công bố cho lao động EPS đạt mức kỷ lục 165.000.
Cùng với việc tăng số lượng, Hàn Quốc cũng mở rộng lĩnh vực. Năm nay, Hàn Quốc lần đầu tiên cho phép lao động E-9 được làm việc cho các ngành nhà hàng, thực phẩm, khai thác mỏ và lâm nghiệp.
Do hệ thống cấp phép lao động EPS luôn hạn chế sử dụng lao động nước ngoài mà không xâm phạm cơ hội việc làm cho người Hàn Quốc, nên hệ thống này được vận hành thông qua các quy định và quản lý nghiêm ngặt, dẫn đến sự gia tăng các khiếu nại liên quan.
Các khiếu nại dân sự liên quan đến EPS như thay đổi nơi làm việc, tái tuyển dụng (gia hạn) và các điều khoản đặc biệt để tái nhập cảnh, đã tăng gần gấp đôi trong hai năm từ 122 vào năm 2020 lên 236 vào năm 2022 và tính đến tháng 8-2023 đã có 273 trường hợp.
Theo cơ quan chức năng, với việc tỷ lệ khiếu nại dân sự liên quan đến EPS đã chạm mức tăng 63% so với năm trước đó nên Ủy ban Dân quyền đã bắt đầu đề xuất cải tiến Hệ thống Giấy phép Lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động nước ngoài, nâng cao năng suất và giải quyết vấn đề cung cầu nhân lực tại các khu công nghiệp trong nước.
Trước tiên cần xem xét nới lỏng các quy định về thay đổi nơi làm việc. Một công nhân Myanmar quyết định làm việc tại nơi làm việc mà anh ta được giới thiệu trước khi hết hạn đăng ký tìm việc và đã nộp đơn xin giấy phép thay đổi nơi làm việc cho người sử dụng lao động, nhưng chủ sử dụng lao động đã chậm nộp giấy phép lao động cho trung tâm việc làm một ngày sau ngày hết hạn.
Theo đó, trung tâm việc làm được đề cập đã không cấp giấy phép lao động cho cá nhân trên với lý do không nộp hồ sơ đúng thời hạn khiến người lao động mất cơ hội việc làm do không được Bộ Tư pháp cho phép thay đổi địa điểm làm việc.
Quy định hiện này yêu cầu người lao động nước ngoài phải nộp đơn xin thay đổi nơi làm việc trong vòng một tháng kể từ ngày đổi việc và phải thực hiện đăng ký thay đổi nơi làm việc mới trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, ACRC giải thích rằng giống như trường hợp của người lao động Myanmar nêu trên, người lao động không thể tự nộp đơn đúng hạn phần lớn do lỗi của người sử dụng lao động, đơn xin thay đổi nơi làm việc không được chấp nhận và trường hợp khiếu nại như vậy thường xuyên xảy ra.
Theo đó, Ủy ban khuyến nghị cải tiến phương thức áp dụng các yêu cầu, tiêu chí chuyển đổi việc làm phù hợp với tiêu chuẩn có thể áp dụng rộng rãi hoặc thay đổi nơi làm việc với các lỳ do phù hợp với chuẩn mực xã hội. Cùng với đó cần có những điều kiện bảo vệ quyền của người lao động nước ngoài trong các trường hợp doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa.
Ủy ban dân quyền đã kêu gọi tiến hành rà soát các điều kiện để gia hạn cho lao động nước ngoài, loại bỏ các quy định hạn chế, cản trở người lao động chuyển việc và bị phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động khi muốn gia hạn hợp đồng. Cùng với đó việc xét duyệt và hoàn thành các quy định tái nhập cảnh cũng cần được đơn giản hóa
Phó Chủ tịch Ủy ban Dân quyền Kim Tae-gyu cho biết Ủy ban sẽ có những khảo sát tìm hiểu thực tế liên quan đến hệ thống giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, thông qua đó sẽ đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cần bổ sung, sửa đổi.
Ủy ban không chỉ đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động nước ngoài mà còn mở rộng việc sử dụng nhân lực nước ngoài để giải quyết những khó khăn, bất bình trong lĩnh vực này.
Bình luận (0)