Chiều 27-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Việc quy định áp thuế đối với thuốc lá, điều hòa nhiệt độ, đồ uống có đường đã làm nóng nghị trường.
Sản phẩm thiết yếu đang bị đánh thuế nặng!
Liên quan về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là điều hòa nhiệt độ, đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phân tích, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích người tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ phẩm hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội.
Với nguyên lý như vậy, ông Cường nhận thấy áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm thay thế khác. Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, ĐB cho rằng không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng điều hòa nhiệt độ.
ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng mặt hàng điều hòa nhiệt độ đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008. Trước đây điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ.
Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng mặt hàng này là nhu cầu thiết yếu, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ. Các nước khác kiểm soát điều hòa theo hai khía cạnh khác, một là kiểm soát dung môi làm lạnh, hai là mức tiêu thụ điện năng. Vì vậy vị ĐB tỉnh Quảng Trị đề nghị cần bãi bỏ việc áp thuế với mặt hàng này.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng quy định trong dự thảo luật là không phù hợp, bởi điều hòa nhiệt độ được sử dụng như một thiết bị thiết yếu, hầu hết các gia đình. Điều đó cho thấy đây không còn là mặt hàng được coi là xa xỉ, dành cho đối tượng có thu nhập cao. Vì vậy đề nghị bỏ quy định đánh thuế đối với điều hòa nhiệt độ.
Vị phó Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng đề nghị cân nhắc lại việc tăng thuế với xe Pick-up chở hàng cabin kép (hay còn gọi là xe bán tải) bởi dòng xe này sử dụng chủ yếu ở ngoài đô thị, với công năng chính là chở hàng; nhiều hộ gia đình, đơn vị sử dụng phục vụ kinh doanh vừa và nhỏ, thuận tiện, đơn giản trong vận chuyển. Hơn nữa, tại Việt Nam, loại xe này chỉ chiếm khoảng 5% thị phần, chưa đến mức quá lớn để gây ảnh hưởng đến giao thông nếu sử dụng trong khu vực đô thị. Bà Nga cho rằng nếu cần phải tăng thuế để thu ngân sách thì nghiên cứu lại lộ trình phù hợp, từ 3 tới 5 năm, lùi thời hạn áp dụng và mức tăng vừa phải, ổn định để bảo toàn nguồn lực chung cho doanh nghiệp (DN), người dân.
Cân nhắc áp thuế với đồ uống có đường
ĐB Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) quan tâm đến việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%.
ĐB dẫn báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động có nêu ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng DN của ngành đồ uống. Khi áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì quy mô sản xuất của các DN bị co hẹp. Đồng thời, việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về GDP. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được của chính sách này.
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng thuế với đồ uống có đường. Không phải quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này cũng đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ thừa cân, béo phì. Brunei, Ấn Độ, Chile, Phần Lan, Bỉ… là những quốc gia đã áp dụng nhiều năm nhưng tỉ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng đều. Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế này như Nhật Bản hay Singapore lại có tỉ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất. Bà Thủy lưu ý việc áp thuế với nước dừa không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm DN chế biến dừa đang kiệt quệ sau COVID-19 của tỉnh Bến Tre, mà còn ảnh hưởng đến hơn 200.000 nông dân trồng dừa vì không tiêu thụ được trái dừa.
Đồng thuận với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh mặt hàng này gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Ông ủng hộ phương án 2 trong dự thảo về áp thuế đối với thuốc lá điếu: 5.000 đồng/bao (từ năm 2026), 6.000 đồng/bao (từ năm 2027), 7.000 đồng/bao (từ năm 2028), 8.000 đồng/bao (từ năm 2029), 10.000 đồng/bao (từ năm 2030). Cho rằng chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Giải trình ý kiến của các ĐBQH về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, ông Hồ Đức Phớc cho rằng việc đánh thuế điều hòa cũng nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu và các chất gây hại cho tầng ozon. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ rà soát, sửa đổi về đối tượng sản phẩm điều hòa chịu thuế suất ở các biểu thuế khác nhau. Ví dụ, với điều hòa dùng năng lượng tái tạo từ mặt trời, điện gió sẽ không chịu thuế. Với nước giải khát có đường, ông cho biết việc đánh thuế nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định. "Các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế" - ông Hồ Đức Phớc nói.
Hôm nay (28-11), QH họp riêng về công tác nhân sự theo thẩm quyền; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của QH về giảm thuế giá trị gia tăng…
Phê duyệt 122.000 tỉ đồng cho phát triển văn hóa
Với 430 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, sáng cùng ngày, QH thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo đó, kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỉ đồng.
Chiều cùng ngày, QH cũng thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó đáng chú ý luật quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỉ lệ mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Trong đó, bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo...
Xem xét khởi động lại điện hạt nhân Ninh Thuận
Chiều 27-11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình QH về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ cho biết việc tái khởi động lại điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Theo tờ trình, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Quy hoạch điện VIII cho thấy, tổng công suất đặt hệ thống điện hiện nay từ khoảng 80 GW tăng lên 150 GW vào năm 2030 và lên đến khoảng 490-573 GW vào năm 2050.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt hệ thống điện sẽ tăng từ 80.000 MW hiện nay lên 150.000 MW vào 2030 và đạt khoảng 490.000 - 573.000 MW vào năm 2050. Tại quy hoạch này, nhiều nguồn điện than và khí LNG bị khuyến cáo hạn chế và gặp khó khăn trong triển khai. Do đó, phát triển nguồn điện cần đáp ứng mục tiêu kép là có nguồn điện mới để đủ điện, chuyển dịch năng lượng xanh và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án và kiến nghị QH và UBTVQH xem xét, quyết định việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo tờ trình của Chính phủ.
Bình luận (0)