Các chuyên gia từ Savills Việt Nam vừa đưa ra phân tích về dòng vốn từ người Việt ở nước ngoài "rót" vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Cụ thể, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, đánh giá trong Luật Đất đai 2024, cụ thể là Khoản 3 và khoản 6 điều 4 Luật Đất đai 2024 về "Người sử dụng đất" (hiệu lực từ 1-1-2025) đã mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt định cư ở nước ngoài. Đây chính là điểm thay đổi mới nhận được nhiều sự chú ý.
Theo ông, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản là Việt Kiều, tạo tiềm năng lớn cho thị trường bất động sản.
Ông này cũng cho biết Savills đã có cơ hội hợp tác với nhiều với người Việt Nam ở nước ngoài và nhận thấy một trong những điểm chính là phần nhiều trong số họ đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định tiền và cân nhắc đầu tư lại vào Việt Nam, thậm chí có thể tính đến việc quay trở về.
Đặc biệt, có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Điều này tạo ra một nguồn nhà đầu tư tiềm năng khổng lồ cho bất động sản Việt Nam.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng nguồn kiều hối kỷ lục 19 tỉ USD của năm 2022 đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.
Trong đó, dòng kiều hối chảy về lĩnh vực bất động sản là một con số không hề nhỏ. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15 - 20% số tiền từ các Việt kiều gửi về nước đang được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu quy đổi sang sản phẩm, lượng tiền này tương đương với giá trị của 10.000 căn hộ mỗi năm.
Ở góc độ khác, chuyên gia này cho rằng nguồn vốn này trong thời gian qua cũng đã có sự chuyển đổi từ đầu tư trực tiếp vào bất động sản mở rộng sang đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bình luận (0)