Ngày 15-10, với sự chứng kiến của lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, UBND xã Hướng Phùng, Công ty TNHH Slow Việt Nam phối hợp với các nhóm nông dân và các đơn vị chế biến cà phê tổ chức lễ ký kết hợp đồng niên vụ 2024 trong phạm vi dự án "Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hoá" và "Chuỗi cung ứng cà phê sinh thái của Công ty TNHH Slow Forest Coffee tại tỉnh Quảng Trị".
Tại buổi ký kết, đại diện Công ty TNHH Slow Việt Nam thông tin trong khuôn khổ dự án, công ty cam kết sản xuất, chế biến và xuất khẩu 1.000 tấn cà phê nhân Arabica; phát triển chuỗi liên kết với 2.000 nông dân. Đồng thời, chuyển đổi 2.500 ha cà phê sang phương thức canh tác nông lâm kết hợp, tăng thu nhập của nông hộ lên 40%.
Niên vụ cà phê 2024 này, Công ty TNHH Slow Việt Nam sẽ liên kết với khoảng 400 - 500 nông dân, cung ứng khoảng 2.500 tấn quả cà phê tươi. Trong đó, đơn vị này cam kết giá mua thấp nhất là 12.500 đồng/kg trong suốt niên vụ. Trong trường hợp giá cà phê thị trường cao hơn giá sàn, Slow Việt Nam sẽ mua với giá thị trường cộng thêm 2.000 đồng.
Trong năm 2024 và 2025, Slow Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê thóc sang cà phê nhân tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà và huyện Hướng Hóa.
Ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, cho biết trên địa bàn có khoảng 2.000 ha cà phê Arabica đã cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, giá cà phê dao động ở mức 14.000 - 17.000 đồng/kg quả tươi. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay nên người trồng cà phê trên địa bàn rất phấn khởi.
Việc tham gia ký kết chuyển đổi từ sản xuất cà phê đơn canh sang nông lâm kết hợp, theo ông Dương, về lâu dài sẽ góp phần bảo vệ môi trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân địa phương.
Dự án "Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị" do chương trình đối tác kinh doanh xanh Danida (Đan Mạch) và WWF cùng tài trợ, Slow Việt Nam là đối tác thương mại thực hiện.
Dự án sẽ hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức canh tác từ đơn canh sang nông lâm kết hợp và đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu; xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với nông dân và các hợp tác xã, đơn vị chế biến tại huyện Hướng Hóa.
Bình luận (0)