Hàng hóa phong phú, giá rẻ, giao nhanh và cước vận chuyển cực thấp là lợi thế lớn của hàng xuyên biên giới, cụ thể là hàng Trung Quốc, nhanh chóng gia tăng thị phần trên thương mại điện tử (TMĐT). Để tồn tại, các nhà sản xuất tại Việt Nam buộc phải tránh đối đầu trực tiếp với các mặt hàng thế mạnh của Trung Quốc và có chiến lược riêng.
Nhà sản xuất, bán hàng trong nước lao đao
Chị Thu Mai - ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM - vừa nhận đơn hàng là chiếc ốp lưng điện thoại Trung Quốc đặt mua "từ nước ngoài" trên sàn TMĐT, tổng tiền hàng và phí ship là 27.000 đồng, rẻ hơn ít nhất nửa giá so với hàng cùng loại bán tại các cửa hàng ở TP HCM. Chị Thu Mai cho biết trước đây hay mua quần áo, giày dép, phụ kiện… trên các sàn TMĐT của Trung Quốc nhưng 2 năm trở lại đây, chị mua trực tiếp trên sàn TMĐT ở Việt Nam. "Các shop nổi tiếng của Trung Quốc đều có gian hàng trên Shopee, Lazada. Đồ của họ giá rẻ nên chất lượng không cao, bù lại mẫu mã cập nhật liên tục, đặt 2-3 ngày là có hàng nên rất dễ mua" - chị Thu Mai giải thích.
Càng về cuối năm, lượng hàng từ Trung Quốc về Việt Nam qua ngả online càng nhiều. Hàng loạt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc thuê kho hàng tại 3 thành phố lớn là Hà Khẩu (giáp Lào Cai), Bằng Tường (giáp Lạng Sơn), Đông Hưng (giáp Móng Cái), thuê nhân viên người Việt hằng ngày livestream bán hàng và tiến hành giao sang Việt Nam.
Việc mua hàng từ Trung Quốc về Việt Nam trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết đã khiến nhiều nhà sản xuất, bán hàng tại Việt Nam mất khách. Chị Huỳnh Thanh Ngân - ngụ tại TP Thủ Đức, TP HCM; chủ shop bán đồ gia dụng trên các nền tảng mạng xã hội và TMĐT - cho biết kinh doanh online không còn là miếng bánh ngon để ai cũng có thể tham gia. Ngoài việc quản lý, tư vấn, chốt sản phẩm cho khách, người bán còn phải kiêm nhiệm các thứ khác như sáng tạo nội dung, biết livestream… để thu hút người mua và cạnh tranh với hàng hóa bán trực tiếp từ nước ngoài. "Trước đây mua hàng trên Taobao, 1688.com hay Alibaba.com còn gặp khó nhưng giờ đơn giản hơn nhiều. Nếu người mua sỉ hoặc lẻ không rành, sẽ có dịch vụ mua hộ với phí rất rẻ" - chị Ngân nói.
Ông Lưu Thanh Phương, người từng sở hữu sàn TMĐT, cho rằng hàng hóa xuyên biên giới không chỉ đe dọa việc bán hàng của các chủ kinh doanh nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng đến các sản phẩm, nhãn hàng trong nước. Ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Midori Workshop, từng thắng lớn trên TMĐT với phân khúc sản phẩm áo thun từ 160.000 - 180.000 đồng, balô từ 149.000 - 240.000 đồng có chất lượng ổn định, mẫu mã đa dạng. Thời điểm năm 2021, trung bình mỗi ngày gian hàng của ông trên TMĐT nhận khoảng 500 - 700 đơn hàng, cao điểm các đợt lễ hội mua sắm, có thể tăng lên 5.000 - 7.000 đơn hàng, thu về gần 1,5 tỉ đồng doanh thu/tháng.
Thế nhưng, làn sóng "xả hàng" quy mô lớn từ các công xưởng Trung Quốc thông qua kênh TMĐT đã khiến Midori Workshop mất đi nhịp độ kinh doanh trước đó. "Hàng xuyên biên giới đang mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội đặt hàng dễ dàng, giá rất cạnh tranh. Đây chính là áp lực lớn đối với doanh nghiệp (DN) nội địa" - ông Vinh nhìn nhận. Cụ thể, ông Vinh chỉ ra rằng làn sóng mua hàng xuyên biên giới đã làm ngành sản xuất thời trang trong nước thay đổi một cách sâu sắc, khiến thế mạnh về khả năng sản xuất và tối ưu chi phí của phần lớn nhãn hàng thời trang nội địa về con số 0. Hiện nay, tốc độ thay đổi của ngành này tính bằng tuần, khiến cách bán hàng truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế về chi phí và tính hiệu quả.
Thống kê của Metric mới đây chỉ ra tổng doanh thu và sản lượng toàn thị trường TMĐT quý III/2023 tăng trưởng trung bình trên 40% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, số lượng shop có lượt bán giảm mạnh 12%. Gần 50.000 nhà bán hàng TMĐT đã dừng hoạt động do các yếu tố khách quan như nền kinh tế nhiều biến động, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, điều chỉnh chính sách từ sàn mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó là các yếu tố chủ quan từ chính nhà bán hàng - không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, không tìm hiểu kỹ thị trường...
Cạnh tranh bằng ngành hàng thế mạnh
Theo một chuyên gia về TMĐT, hàng xuyên biên giới đang được bán nhiều nhất trên shopee.vn và lazada.vn, do 2 sàn này đều có công ty mẹ ở Trung Quốc. Hiện nay 25% - 30% số đơn hàng mỗi ngày trên 2 sàn này là hàng xuyên biên giới, tương đương số lượng khoảng 1 - 1,2 triệu sản phẩm/ngày. Chiếm phần lớn trong đó là hàng giá rẻ.
"Các sàn TMĐT tại Việt Nam không có chính sách hỗ trợ hàng xuyên biên giới mà sự hỗ trợ đến từ chính sách hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT của chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, do đơn hàng lớn, tập trung nên hàng hóa xuyên biên giới được các công ty vận tải nội địa Việt Nam chào giá vận chuyển rất thấp. Hàng từ Trung Quốc có thể về tới Hà Nội trong vòng 2 ngày, về TP HCM trong vòng 3 ngày là vì vậy" - chuyên gia phân tích.
Ông Trần Lâm - nhà sáng lập 5 thương hiệu Julyhouse, Macaland, Loli & The Wolf, HevieFood và BuB & MuM và là tác giả sách "Cất cánh trên sàn TMĐT" - cho rằng lợi thế cạnh tranh lớn nhất của hàng hóa xuyên biên giới là giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phí ship thấp, tốc độ giao hàng "siêu tốc"… Cộng tất cả yếu tố đó lại tạo ra khả năng chuyển đổi của sản phẩm xuyên biên giới rất cao, khả năng "ra đơn" rất lớn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Lâm, Trung Quốc mạnh về hàng điện tử, hàng thời trang cầu kỳ…, trong khi Việt Nam mạnh về dòng sản phẩm may mặc phổ thông, thực phẩm bản địa, mỹ phẩm từ thiên nhiên... "Nhà sản xuất Việt không thể đối đầu với Trung Quốc ở những sản phẩm thế mạnh của họ mà phải tập trung vào những ngành hàng thế mạnh của mình. Đơn cử, 150 mã hàng thuộc 5 thương hiệu của tôi đều khai thác lợi thế từ nguyên liệu tự nhiên bản địa, đi vào thị trường sản phẩm ngách và đã thành công, mang về doanh thu 70 tỉ đồng/năm trên sàn TMĐT" - ông Trần Lâm bày tỏ.
Để thích nghi với xu hướng mới và tồn tại, Midori Workshop phải tập trung vào đội ngũ thiết kế, tối ưu chất liệu, thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng các đơn hàng nhỏ nhưng liên tục. "Một mẫu thời trang mới xuất hiện, công ty phải làm sao để trong vòng 2 giờ có thể cho khách đặt hàng trên các nền tảng TMĐT, có thể chỉ làm vài trăm sản phẩm và tiếp tục sản xuất nếu mẫu thiết kế đó vẫn được ưa chuộng" - ông Vinh nêu ví dụ.
Ở góc độ khác, bà Trương Phương Thoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ TMĐT khu vực phía Nam, cho biết các DN nhỏ và vừa Việt Nam vẫn đang bỏ quên thị trường nước ngoài. Do đó, khi thị trường trong nước kém sắc, DN cũng dần lụi tàn. "Hàng hóa Việt Nam vẫn được nước ngoài ưa chuộng, tuy nhiên nhiều DN nhỏ và vừa còn tâm lý e ngại, không tìm hiểu cách bán hàng trên sàn TMĐT nước ngoài" - bà Thoa nói.
Cần đầu tư nghiêm túc vào thương mại điện tử
Từ kinh nghiệm của mình, ôngTrần Lâm cho rằng DN Việt có thể chiếm ưu thế nếu biết chủ động, linh hoạt và có chiến lược bài bản. Chẳng hạn, trên cơ sở phân tích dữ liệu kỹ thuật về khách hàng, doanh số, DN có thể thiết lập kho hàng ở các thị trường chính để giao hàng nhanh hơn, phí ship rẻ hơn. "DN phải xem TMĐT là kênh bán hàng quan trọng, sống còn để đầu tư một cách nghiêm túc, tập trung. Chủ DN phải hiểu về TMĐT và xây dựng đội ngũ, tăng nội lực để cạnh tranh" - ông Trần Lâm lưu ý. Ông nói thêm nhiều chủ DN chưa hiểu về TMĐT nên chưa đầu tư đúng mức dẫn đến thua lỗ và bỏ cuộc giữa chừng.
Ông Nguyễn Tùng Giang, nhà sáng lập G Investment Group (một DN bán lẻ), cho hay các nhãn hàng tại Việt Nam cần làm thương hiệu trên các nền tảng TMĐT. Bên cạnh đó, cần đào tạo và hướng dẫn cách bán hàng hiệu quả cho hệ thống phân phối, bao phủ nhận diện thương hiệu, quảng cáo bằng cách kết nối KOL, KOC... "DN phải tổ chức thi đua tạo động lực bán hàng, định vị được sản phẩm trên thị trường, lúc đó mới có thể thắng được" - ông Giang nhấn mạnh.
Bình luận (0)