Vụ việc Ung A Nam có hành vi chặn đầu ô tô, đập phá kính xe gây xôn xao dư luận vừa qua đã nhanh chóng được Công an quận Tân Phú, TP HCM vào cuộc điều tra, tạm giữ hình sự đối tượng. Hành động quyết liệt, kịp thời này của cơ quan chức năng không chỉ thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật mà còn là lời cảnh tỉnh đanh thép đối với những ai còn coi thường pháp luật, hành xử theo cảm tính khi tham gia giao thông.
Hành vi côn đồ
Hành vi của Ung A Nam không chỉ côn đồ, hung hãn, thiếu kiềm chế mà còn thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng, tài sản của người khác. Trong xã hội văn minh, mọi hành vi bạo lực, gây rối trật tự, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vốn nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, đều bị lên án và xử lý nghiêm minh. Việc Công an quận Tân Phú nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ và ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Ung A Nam đã khẳng định rõ quan điểm "không có vùng cấm" trong xử lý vi phạm pháp luật. Dù bất kỳ ai, ở địa vị nào, khi có hành vi vi phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vụ việc này cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai còn có tư tưởng coi thường pháp luật, hành xử theo cảm tính, gây mất an ninh trật tự khi tham gia giao thông. "Cái đầu nóng" sẽ chỉ dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ, gây hậu quả đáng tiếc cho bản thân và những người xung quanh. Quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật sẽ góp phần răn đe, phòng ngừa chung, tạo môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm đối tượng Ung A Nam cũng góp phần bảo vệ an toàn giao thông, trật tự xã hội. Những hành vi côn đồ, hung hãn như vụ việc vừa qua tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông và gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong xã hội. Mỗi người cần nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông, luôn bình tĩnh, tỉnh táo xử lý các tình huống, tránh để những mâu thuẫn nhỏ dẫn đến những hành động đáng tiếc.
Trừng trị nghiêm
Vụ việc của Ung A Nam chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc thể hiện sự gia tăng đáng báo động của hành vi côn đồ sau va chạm giao thông. Liên tiếp trong những ngày cuối năm 2024 và đầu năm 2025, trên địa bàn TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đã xảy ra nhiều vụ đập phá ô tô manh động sau va chạm giao thông. Các vụ việc này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây ra những thương tích nghiêm trọng cho người liên quan, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong.
Mỗi cá nhân cần hiểu rõ rằng việc tham gia giao thông không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động trực tiếp đến những người xung quanh. Hành vi côn đồ là vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội và sẽ bị nghiêm trị. Hành vi côn đồ không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người liên quan mà còn gây mất an ninh trật tự, ách tắc giao thông, tạo ra hình ảnh xấu xí trong mắt người dân và du khách. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do nhiều yếu tố, bao gồm: ý thức tham gia giao thông kém, áp lực cuộc sống, văn hóa ứng xử xuống cấp…
Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi côn đồ sau va chạm giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Đầu tiên là môi trường giao thông phức tạp, mật độ phương tiện cao, dễ dẫn đến va chạm, tạo điều kiện cho các xung đột phát sinh. Tiếp đó là nhiều người có tâm lý nóng vội, thiếu kiên nhẫn, dễ bị kích động bởi những hành vi lái xe thiếu văn hóa của người khác. Khi xảy ra va chạm, họ không giữ được bình tĩnh, dẫn đến hành động thiếu kiểm soát. Cuối cùng là một số người có nhận thức sai lệch, cho rằng việc sử dụng bạo lực là cách để thể hiện bản thân, giải quyết mâu thuẫn nhanh chóng. Họ thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, không lường trước được hậu quả của hành vi côn đồ. Ngoài ra, áp lực cuộc sống, khó khăn trong công việc, các vấn đề cá nhân cũng có thể là yếu tố góp phần khiến một số người dễ dàng "nổi nóng" khi tham gia giao thông.
Hành vi côn đồ có thể bị phạt tù
Về mặt pháp lý, người có hành vi côn đồ khi tham gia giao thông có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm:
Hành vi gây rối trật tự công cộng (điều 318 Bộ Luật Hình sự) - cố ý gây ồn ào, kích động, đánh nhau, gây thương tích... - sẽ bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Hành vi cố ý gây thương tích (điều 134 Bộ Luật Hình sự) - gây thương tích cho người khác với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên - bị phạt tù từ 2 năm đến chung thân.
Hành vi hủy hoại tài sản (điều 178 Bộ Luật Hình sự) - hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác - bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tùy theo giá trị tài sản bị thiệt hại.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-1
Bình luận (0)