Trong âm nhạc, khái niệm underground được hiểu với nghĩa một dòng chảy ngầm, không bị chi phối bởi yếu tố thị trường. Thế giới underground được xem là nơi những người đam mê ca hát tìm sự đồng cảm, chia sẻ ở một đối tượng khán giả đồng điệu. Cả người hát và người nghe có chung niềm đam mê một thể loại âm nhạc nào đó, ở đó người hát tự do trong phong cách thể hiện và bày tỏ cảm xúc qua ca khúc của riêng mình. Và có lẽ vì không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào mang tính thương mại, cũng như không cần phải chạy theo thị hiếu khán giả nên các nghệ sĩ underground giữ được cho mình sự trong sáng, tự do sáng tạo trong các ca khúc do họ sáng tác.
Thế giới giải trí rất riêng
Vì là dòng chảy ngầm nên những điểm đến mang chất underground cũng chẳng nhiều sắc màu như những gì khán giả âm nhạc thường thấy ở bề nổi của showbiz Việt. Thế nhưng, sự khác biệt của những nơi này là “chất” âm nhạc cực kỳ theo gu riêng mà chính những chủ nhân của quán cà phê hay quán bar này cố tình thiết lập từ sở thích cá nhân của họ. Khán giả đến đây cũng là những người có cùng gu thưởng thức nên dễ đồng cảm và đón nhận.
Khán giả có thể thưởng thức những bản nhạc tiền chiến, những ca khúc nhạc xưa bất hủ ở Khúc Ban Chiều, Sỏi Đá, Cảm Xúc, Domino, Cõi Riêng… Hoặc bạn có thể thả lỏng bản thân trong âm nhạc của flamenco ở Carmen, Saigon Night…Hay trong những khúc nhạc nổi tiếng của thập niên 1970, những bản flamenco - country - jazz - rock and roll bất hủ... do ban nhạc và các ca sĩ Philippines trình diễn tại Lodge Bụi; một thế giới của những chàng cow-boy Nam Mỹ qua chương trình nhạc sống hằng đêm theo các trường phái âm nhạc được giới trẻ yêu thích: jazz, latin, country, spanish, rock and roll... ở Seventeenth.
Yoko, một trong những địa chỉ kiên định với con đường underground của mình cũng đang chao đảo. Ảnh: C.T.V
Khán giả cũng có thể tìm đến một nơi đầy cuốn hút như Yoko, với dàn nhạc sống được trang bị đầy đủ sẽ lôi cuốn bạn theo những khúc rock cuồng nhiệt, làm ngơ ngẩn người thưởng thức bởi những giai điệu jazz…
Nếu bạn muốn chìm đắm trong một không gian tĩnh lặng, nơi mà âm nhạc chỉ vang lên một cách mộc mạc đủ sức tách những bận rộn của cuộc sống thường ngày ra khỏi dòng suy nghĩ của bạn thì Yên hay Nếp là điểm đến…
Trong thế giới underground, khán giả không khó để hình dung hình ảnh một nghệ sĩ ôm đàn say sưa biểu diễn trong một quán bar nhỏ hay một giọng hát vô danh nhưng cuốn hút đến lạ kỳ. Lê Cát Trọng Lý đã bước ra sân khấu chuyên nghiệp và trở thành ngôi sao từ thế giới underground này. Thời gian gần đây, sự nở rộ của những quán cà phê nhạc hay quán bar nhỏ khiến mô hình âm nhạc underground phát triển đa dạng, phong phú hơn.
Sóng gió tràn qua
Với tính chất đặc trưng của mình, sự tồn tại của những địa điểm giải trí thuộc thế giới underground không phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường vì mỗi nơi đều có một lượng khán giả riêng, trung thành và ổn định. Thế nhưng, tình trạng khó khăn của nền kinh tế nên mức chi tiêu cho giải trí của người dân cũng bị cắt giảm, làm những tụ điểm âm nhạc underground bị ảnh hưởng.
Vậy là những cuộc chơi theo sở thích cá nhân cũng phải dừng, bởi “không có ông chủ nào dư lực để mở quán chỉ để phục vụ cho sở thích riêng mình”- Công Huân (chủ quán Yoko) chia sẻ.
Đó cũng chính là lý do vì sao hầu hết các chủ nhân của tụ điểm underground đều đang nghĩ đến một chiến lược “đổi màu” cho quán để mở rộng hơn đối tượng khán giả. Sự thay đổi rõ nhất là quán Acoustic gần đây. Không còn đậm chất rock như ban đầu, Acoustic hiện tại sử dụng nhạc pop ở thế chủ đạo của những buổi trình diễn. Thậm chí, không ít lần khán giả còn bắt gặp những đêm diễn hài hước như trò nhái giọng các ca sĩ nổi tiếng hay phăng lời bài hát (tất nhiên chỉ dừng lại ở mức vui vẻ là chính chứ không quá đà, vượt ranh giới cho phép) diễn ra tại đây. Ngay chính Yoko, vốn kiên định với con đường rock and roll từ 10 năm nay cũng bắt đầu toan tính đến bước “đột phá” mới để hút khán giả. Sự thay đổi này ít nhiều vướng vào nỗi lo ngại “mất chất” đặc trưng của các tụ điểm giải trí underground.
Rõ ràng, sự thay đổi này hoàn toàn cần thiết cho sự tồn tại của những địa chỉ này vì muốn lôi kéo nhiều đối tượng khán giả nhưng chính nó sẽ làm “đổi màu”, thay dòng chảy underground khiến nó đang dần mất đi chỗ đứng trong đời sống âm nhạc.
Thiếu hụt ca sĩ
Sự thiếu hụt ca sĩ underground rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến nét đặc trưng của từng quán. Một lượng ca sĩ sẵn có (thường là lớn tuổi hoặc cực kỳ mới) biểu diễn dàn trải đều ở các quán. Điều đó phần nào dễ khiến khán giả thấy chán bởi ở đâu cũng thấy họ và cũng với những ca khúc cover (làm mới). Các ca sĩ thuộc underground hầu hết đều còn rất trẻ nhưng mang tâm lý “ngại” khán giả không chấp nhận cái mới nên cứ làm việc theo lập trình cũ: Hát lại bài cũ, bài đinh của mình và hết.
Trong khi đó, những ca sĩ trẻ có chất vẫn xem underground chỉ là bước đệm để thực hiện giấc mơ nổi tiếng. Cuộc rong chơi của những cái tên vốn quen mặt với nhiều khán giả như: Lil’ Knight, Young Uno, Ken Chou, EddyViet, Lil’ kAnI, CaChep, D-Cash, Babiii P.A, Vũ Thanh Hằng (Bingboong), Quốc Tuân (mr. siro), Toàn Thắng (Nhoc Ten), Thủy Tiên, Thùy Chi, Lê Cát Trọng Lý... hay những gương mặt mới như It’s Time, Rubik, Thái Trinh thực tế không hoàn toàn vô tư với khát vọng nổi danh của chính họ. Tư duy đó ít nhiều làm mất màu underground trong các buổi diễn bởi sự pha trộn mà họ tin rằng có thể đưa họ bước từ underground ra ánh hào quang thực sự của showbiz. |
Bình luận (0)