Tôi tìm đến căn nhà nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám, nơi trước đây NSƯT Thu An vẫn cùng người cháu mở cửa hàng bán cây cảnh. Mấy tháng nay, cơn bạo bệnh đã khiến bà phải nằm một chỗ, mỗi bữa chỉ ăn được một chút bột. Gia đình đang hết sức lo lắng cho sức khỏe của bà. Chẳng ai còn tâm trí đâu mà nghĩ đến danh hiệu NSND.
Cô bộ đội thành diễn viên điện ảnh
NSƯT Thu An là một trong số ít những nghệ sĩ được tham gia bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, Chung một dòng sông, do đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam thực hiện vào năm 1959.
Lúc ấy, bà đang là lính của Sư đoàn 308, và bộ phim đầu tay này đã thay đổi số phận của bà, đưa bà trở thành một diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Cũng chính nhờ bộ phim này, bà đã được gặp Bác Hồ, nghe những lời động viên của Bác.
Năm mươi năm sau ngày vào vai cô Can trong bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, trong buổi gặp mặt những người tham gia bộ phim, NSƯT Thu An từng tâm sự dù thời gian đã lùi xa và bà tham gia rất nhiều phim, nhưng mối tình đầu với điện ảnh thì bà không quên được.
NSƯT Thu An. Ảnh: Chí Cường
Không thử vai, không thi tuyển diễn viên, khi ấy đạo diễn cứ “trông mặt mà bắt hình dong”, diễn viên đóng phim mà như không đóng. Sau này, tài năng diễn xuất tự nhiên cũng được bà đưa vào rất nhiều phim, tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Những người yêu điện ảnh Việt Nam hẳn không quên hình ảnh nghệ sĩ Thu An trong Sao tháng Tám, Mẹ chồng tôi, Tướng về hưu…
Vai vợ tướng Thuấn trong phim Tướng về hưu của Thu An đã tạo cho khán giả nỗi ám ảnh về một nhân vật đầy bi thương, đó là người đàn bà nửa tỉnh nửa điên sống vật vờ như cái bóng trong nhà với tâm lý phức tạp. Nghệ sĩ Thu An từng bảo bà ấn tượng với nhân vật này nhất. Không chỉ khi đóng phim mà ngay cả khi xem lại phim, bà cũng thấy lòng mình đớn đau vì bị nhân vật ám ảnh.
Ấn tượng “mẹ chồng”
Đối với khán giả màn ảnh nhỏ, có lẽ họ ấn tượng nhất về nghệ sĩ Thu An là vai mẹ chồng trong phim Mẹ chồng tôi. Khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ, mái tóc bạc dài như cước, bà là sự lựa chọn số một của các đạo diễn khi chọn diễn viên vào vai các bà mẹ hiền lành, đôn hậu. Khi làm phim Mẹ chồng tôi, đạo diễn Khải Hưng đã tìm ngay đến nghệ sĩ Thu An.
Không chỉ làm hài lòng vị đạo diễn khó tính, NSƯT Thu An đã khiến khán giả, ngay cả những người cứng rắn nhất, phải khóc theo nhân vật của bà và cô con dâu – diễn viên Chiều Xuân. Không chỉ tảo tần, nhân vật bà mẹ chồng của Thu An thể hiện còn là người có tấm lòng bao dung và nhân hậu.
Nhiều khán giả đến giờ vẫn còn nhớ lời tâm sự của nhân vật bà mẹ với cô con dâu khi cô lỡ có thai với người đàn ông khác: “Con ơi, con hãy đứng dậy mà đi, cứ để mọi việc mẹ lo, đời người ai cũng có những sai lầm”. Không nhiều người biết rằng lời tâm sự rất tình cảm này không có trong kịch bản, Thu An đã lấy những suy nghĩ thực của lòng mình sáng tạo thành lời thoại của nhân vật.
Hưu mà không nghỉ
Gần bốn mươi năm sau khi về hưu theo chế độ, NSƯT Thu An có một công việc quen thuộc là bán cây cảnh kiêm chủ quán trà nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám và đi đóng phim.
Bà nói niềm đam mê đóng phim dường như chưa bao giờ tắt trong bà. Bà từng tâm sự rằng nhiều người quan niệm làm diễn viên phải vào vai chính nhưng với bà, vai nào cũng được, do đó, bà luôn được các đạo diễn thay nhau mời vào các vai phụ, thậm chí phụ đến mức chỉ xuất hiện trên màn hình mấy chục giây.
Sống mộc mạc, giản dị nên NSƯT Thu An được rất nhiều người yêu quý, không chỉ đồng nghiệp trong làng điện ảnh mà còn là khán giả khắp nơi. Với bà, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người làm nghệ thuật.
Trước cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến vào cuối năm 2010, ở tuổi gần chín mươi, NSƯT Thu An vẫn đóng phim đều đều, thậm chí không chỉ đóng phim, bà còn dành nhiều thời gian và tiền bạc tham gia các chuyến đi từ thiện cùng sinh viên Hà Nội.
Bà luôn lạc quan mình là người hạnh phúc, bởi đến tuổi này vẫn có sức khỏe để làm những công việc yêu thích. Thấy mẹ đã già, con bà không muốn cho đi đóng phim nhưng bà bảo: “Bắt tôi ở nhà, ngồi yên một chỗ là tôi lên rừng sống đấy”. Với bà: “Quan trọng là tôi được làm nghề”.
Diễn thật đến từng chi tiết nhỏ
Bà từng tâm sự đóng phim mà để khán giả thấy mình diễn là thất bại, chính vì thế, bà luôn chú ý để sao cho diễn xuất thật nhất ngay từ những chi tiết nhỏ. Ngay từ bộ phim đầu tiên: Chung một dòng sông, để nhập vai Can, cô lái đò ở Quảng Bình, nữ diễn viên Thu An đã dành cả một ngày để quan sát động tác chèo đò, cách ăn mặc cũng như giọng điệu hò của các cô gái xứ này. Sau đó, còn cẩn thận so sánh để rút ra sự khác biệt giữa cô lái đò ở Quảng Bình với cô lái đò ở Huế hay các vùng quê khác.
Có phim bà phải vào vai người mẹ gánh nước, đạo diễn thấy bà cao tuổi, không muốn để bà gánh nặng nên chỉ yêu cầu cho mấy viên gạch vào thùng. Bà không đồng ý, một mực đòi phải cho đầy nước vào thùng, để đòn gánh trĩu xuống và nước sóng sánh ra ngoài mới cho bấm máy. Suốt từ khi bước chân vào nghề diễn, bà không bao giờ dùng nước mắt giả, bà bảo phải khóc làm sao để người ta thấy mình như không diễn chứ cứ giả giả thì khó chịu lắm.
Xem phim Thu An đóng, nhiều người nhầm bà xuất thân từ nông thôn, ít người biết bà là con gái Hà Nội gốc, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ phải đụng đến cái cày, cái cuốc. Bà từng chia sẻ bí quyết vào vai của bà chính là quan sát thật kỹ để học hỏi. Dù đóng vai chính hay phụ, bà đều nghiên cứu kỹ nhân vật đến từng câu thoại, từng hành động nhỏ. Và chính từng chi tiết nhỏ ấy đã làm nên ấn tượng đẹp về nghệ sĩ Thu An. |
Bình luận (0)