Đưa ra thế giới, chưa đủ
Trước khi đệ trình hồ sơ lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, đã có nhiều ý kiến tranh luận là nên hay không nên. Tại hai cuộc hội thảo trong nước và quốc tế diễn ra trước đó, nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến hoài nghi, thậm chí phản bác.
Theo các nhà chuyên môn, nếu so sánh với hồ sơ các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong nước đã và đang được thiết lập để trình UNESCO, đờn ca tài tử Nam Bộ có nhiều ưu thế hơn vì đạt được những điều kiện tất yếu, minh chứng đầy đủ về giá trị lịch sử lẫn nghệ thuật đang tồn tại trong đời sống. |
Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam có 5 di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù và hội Gióng. Những di sản này khi trở thành di sản nhân loại đã nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của Nhà nước và các tổ chức trong việc bảo tồn và phát huy. ĐCTT cũng không ngoại lệ.
Cần những động thái tích cực
Theo phân tích của GS-TS Trần Văn Khê, ĐCTT Nam Bộ xuất hiện từ thời khẩn hoang vùng đất phương Nam, là thú giải trí trên ghe thuyền, sông rạch, bên ánh lửa bập bùng giữa đồng trống, trăng thanh, gió mát sau mùa gặt. Về sau, ĐCTT Nam Bộ được đưa vào biểu diễn trong đình, chùa vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp, rồi phát huy thành ca ra bộ, thăng hoa thành nghệ thuật ca diễn cải lương.
Có thể thấy rằng thời gian gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các nhóm ĐCTT miệt vườn được thành lập, hoạt động bán chuyên nghiệp. Ở các tỉnh, thành Nam Bộ có sự phát triển về du lịch như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp…, ĐCTT đã có những đội chuyên phục vụ du khách trong các khu vực ẩm thực.
Tại hai cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về ĐCTT được tổ chức tại TPHCM, trong 33 tham luận trình bày đã có không ít ý kiến lên án việc làm biến tướng, mất đi vẻ đẹp và tính chất nghệ thuật của ĐCTT. Những quán nhậu miệt vườn, những đội ĐCTT lạm dụng việc ca hơi dài, pha cải lương hồ quảng, tấu hài, thậm chí sử dụng nhạc ghi âm sẵn trong phòng thu (MD) phần hòa âm cổ nhạc để hát hoặc ca nhép đã làm mất đi tính nghệ thuật vốn là đặc trưng của ĐCTT.
GS-TS Trần Văn Khê bức xúc: “Hiện nay, chúng ta đã nộp hồ sơ thì không thể “đánh trống bỏ dùi”, ngồi đợi mà phải có nhiều cuộc thảo luận chuyên môn, nhìn rõ một cách trung thực những yếu kém trong việc quản lý đã khiến ĐCTT Nam Bộ bị biến dạng. Trước hết, là lỗi của khâu quản lý, sau đó là ý thức, trách nhiệm của người chơi ĐCTT. Đừng đổ lỗi cho cuộc sống, hoàn cảnh mưu sinh.
Bề dày hơn 100 năm
Trong tháng 3-2011, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc trình UNESCO hồ sơ ĐCTT Nam Bộ và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, hồ sơ ĐCTT Nam Bộ do Viện Âm nhạc Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn thiện, còn hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng.
TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Thời gian UNESCO xét duyệt hai di sản này sẽ diễn ra vào năm 2012. ĐCTT xuất hiện từ hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đờn kìm, đờn cò, đờn tranh và độc huyền cầm (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm.
Những người tham gia ĐCTT phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Do đó, vấn đề quan trọng của chúng ta chính là góp phần tích cực trả lại cho ĐCTT không gian tồn tại của nó”. |
Bình luận (0)