xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đánh vào dầu mỏ

Phạm Đan Thành

Không ai biết bằng cách nào mà những tay súng vũ trang Hồi giáo lại có thể dễ dàng lọt vào khu văn phòng của hãng dầu lửa Apicorp và Petrolium Center ở thành phố dầu lửa Al-Khobar, cách thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi khoảng 400 km về phía đông bắc, bắn chết ít nhất 10 người và bắt giữ hơn 50 người khác làm con tin.

Tiếp theo đó là một vụ giải cứu giống như trong phim hành động, khi lính đặc nhiệm Ả Rập Saudi từ trên máy bay trực thăng bay sát nóc tòa nhà, nơi bọn khủng bố đang giam giữ và bắt đầu cắt cổ các con tin, nhảy xuống và tiến hành đột kích. Quan chức an ninh Ả Rập Saudi tuyên bố rằng “vụ giải cứu đã kết thúc thành công”, thế nhưng 22 người đã chết trong vụ này. Đây chỉ là một trong số cả chuỗi những vụ khủng bố mà Al-Qaeda nhằm vào ngành công nghiệp dầu lửa của Ả Rập Saudi.

Có thể thấy ngay hệ quả: Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng lên đến mức cao nhất trong vòng 3 thập niên qua. Nhiều nước tiến hành những biện pháp khẩn cấp nhằm duy trì các hoạt động sản xuất và sinh hoạt công cộng. Panama tăng giá điện và giá xăng dầu từ 3,7% đến 8%, đẩy lịch làm việc lên sớm 1 giờ trên phạm vi toàn quốc nhằm tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời. Thái Lan xem xét việc đóng cửa các cây xăng trên toàn quốc vào lúc 10 giờ đêm và kết thúc sớm các chương trình tivi. Một nhóm các hãng máy bay lớn trên thế giới đã quyết định sẽ tăng giá vé các chuyến bay quốc tế 5% kể từ tháng 7 do giá dầu tăng...

Tại nhiều quốc gia, giá dầu tăng đã đánh mạnh vào nền kinh tế và hầu hết các dự báo đều cho rằng sản lượng kinh tế của toàn thế giới sẽ giảm trong thời gian trước mắt. Kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi khi giá dầu tăng 10 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới sẽ giảm 0,5%, còn của Mỹ giảm 0,3%. Chỉ cần giá dầu duy trì ở mức cao 40 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro đã giảm 0,2%...

Dường như chỉ đến khi giá dầu tăng mạnh, các nhà hoạch định chính sách cũng như chuyên gia chống khủng bố của Mỹ mới ngỡ ngàng nhận ra rằng việc tấn công nguồn cung cấp dầu chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông đang là một chiến thuật mới của Al-Qaeda nhằm đánh vào lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ cũng như các nước phương Tây. Chiến thuật mới này của Al-Qaeda rõ ràng xuất phát từ chính sách ngoại giao sặc mùi dầu mỏ của Mỹ ở khu vực Trung Đông với Ả Rập Saudi là con bài chiến lược. Không phải vô cớ mà người ta đi tới nhận định rằng cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Iraq bắt nguồn từ những lợi ích về dầu lửa. Mặt khác, nền kinh tế Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung quá phụ thuộc vào dầu lửa cũng là một căn nguyên khác khiến
Al-Qaeda quyết định tấn công vào nguồn cung cấp loại hàng hóa đặc biệt này. Một khi các quốc gia dầu mỏ Trung Đông bị “hắt hơi” thì các nền kinh tế phương Tây sẽ lên cơn “co giật”, đó là tính toán đơn giản của các đầu lĩnh Al-Qaeda.

Tấn công vào nền kinh tế Mỹ luôn là một mục tiêu dài hạn của Al-Qaeda. Bởi vậy nên sau khi tiến hành cuộc khủng bố kinh hoàng nhằm vào những “biểu tượng” của nền kinh tế Mỹ tại New York, Al-Qaeda đã hướng trọng tâm các hoạt động khủng bố chết người của nó vào những lợi ích an ninh sống còn của Mỹ bên ngoài lãnh thổ nước này, vừa để giảm sức ép của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ tiến hành trên toàn cầu, vừa để đánh vào những tử huyệt của kinh tế phương Tây. Ả Rập Saudi là một trong những mắt xích an ninh nhạy cảm nhất và không có gì khó hiểu khi chiến thuật mới của Al- Qaeda là nhằm vào các cơ sở dầu lửa của nước này.

Vụ khủng bố ở Al-Khobar cũng như hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào những cơ sở dầu lửa của Ả Rập Saudi với mục tiêu là nhiều người ngoại quốc không chỉ gây ra những thiệt hại về người mà lớn hơn cả là nó đã tạo nên một tâm lý bất an cho các nhà đầu tư cũng như những người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực dầu mỏ ở Ả Rập Saudi. Vấn đề nằm ở chỗ ngành dầu mỏ Ả Rập Saudi phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài  và việc họ ra đi sẽ khiến cho các dự án tại Ả Rập Saudi bị ảnh hưởng, đe dọa đến nguồn cung cấp dầu trong tương lai. Đó có lẽ cũng là mục tiêu sâu xa mà Al-Qaeda muốn hướng tới khi sử dụng chiến thuật “đánh vào dầu lửa” thời gian qua.

OPEC, tổ chức đang kiểm soát đến 1/3 lượng xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, đã quyết định tăng sản lượng dầu mỏ thêm 2 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực nhằm giảm giá dầu thô. Thế nhưng giá dầu tăng chưa hẳn bởi cung không đủ cầu mà chính là do tác động tâm lý dây chuyền của những vụ khủng bố mà Al- Qaeda tiến hành. Bởi vậy không khó khăn gì cũng có thể thấy rằng hơi nóng của dầu mỏ sẽ bao trùm bàn hội nghị của các nhà lãnh đạo G8 sẽ diễn ra trong vài ngày tới tại thị trấn hẻo lánh Sea Island, bang Georgia của nước Mỹ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo