Anh em đoàn phim thường ví von: Làm phim như sống đời du mục, rong ruổi tứ phương, lắm lúc giống những kẻ “vô gia cư”, cơm hàng cháo chợ, cứ mở mắt ra là đi, chưa biết chừng nào về.
Thầm lặng
4 giờ, đoàn làm phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực (20 tập, khởi quay ngày 20-4-2011, dự kiến chiếu vào tháng 1-2012) đã có mặt ở Hãng phim Cửu Long chuẩn bị lên đường đến biển Long Hải - Vũng Tàu để thực hiện các phân cảnh binh sĩ đổ bộ. Mọi người tranh thủ chợp mắt, không ai trao đổi thêm điều gì, bởi đó đã là thói quen mỗi ngày.
Đạo diễn Phan Hoàng nói: “Diễn viên có thể đến muộn chứ ê kíp làm phim thì luôn luôn phải tới điểm quay từ rất sớm, chuẩn bị bối cảnh, phục trang, ánh sáng. Chưa kể nếu ngày hôm ấy không thực hiện kịp tiến độ cảnh quay đã định ra cho một ngày thì công việc kéo dài đến khuya, thậm chí đến sáng hôm sau”.
24 giờ, đoàn làm phim Về với yêu thương (40 tập, đã phát sóng) của đạo diễn Nguyễn Minh Cao vẫn còn tất bật với cảnh quanh “vượt cạn trên con tàu giữa đêm mưa” của nhân vật chính ở một đoạn sông của tỉnh Bình Dương. Ánh sáng quét dài một khoảng trời, không khí khẩn trương, hối hả. Đó là một phân đoạn khó, góc máy vừa phải thể hiện được bối cảnh mưa gió cho tình cảnh cực khổ trần ai vừa phải đặc tả cảnh đau đớn bi kịch của nhân vật.
Một cảnh quay phim Đất mặn tại chợ Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước - Cà Mau
Mọi người đều đã rất mệt sau một ngày quay nhưng không khí làm việc vẫn rất khẩn trương, hối hả. Mất gần cả đêm cho phân cảnh chỉ vài phút trên phim, ai nấy đều mệt rã rời. Rồi mỗi người lại cùng nhau góp một tay “thu dọn hiện trường” trở về nhà, chuẩn bị cho những ngày quay tiếp theo.
Với phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Về với yêu thương hay bất kỳ bộ phim nào, chuyện đi sớm về trễ vốn dĩ đã là công việc đặc thù của những người làm phim. Thật vậy, không có một thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi cố định nào cho các thành viên đoàn phim.
Cứ làm chừng nào thấy mệt quá thì đạo diễn cho nghỉ ngơi dưỡng sức, hôm nay quay quá khuya thì hôm sau có thể nghỉ một buổi. Diễn viên có thể nghỉ khi không có lịch quay, còn các thành viên đoàn thì ngày nào cũng phải có mặt, rồi tranh thủ ngủ, nghỉ ở phim trường. Đạo diễn Võ Việt Hùng đùa: “Người làm phim… sống dài hơn người khác vì luôn thức sớm ngủ muộn”.
Nào quản gió mưa!
21 giờ, khi cư dân xóm đảo Dừa Lửa (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) bắt đầu đóng cửa, tắt đèn thì trong một ngôi nhà nhỏ ở góc đảo ven sông, đoàn làm phim Đồng quê (19 tập, khởi quay tháng 4-2011, dự kiến hoàn thành trong năm) vẫn tất bật chuẩn bị cho những cảnh quay, dù bên ngoài trời mưa tầm tã. Mọi người đội mưa vận chuyển đạo cụ, sắp xếp cảnh quay.
Trong góc nhà, Y Vone - nhân viên phục trang - gấp rút chuẩn bị những bộ quần áo nông dân cho các nhân vật. Chuyên gia hóa trang Phương Thảo cũng khẩn trương hóa trang cho các diễn viên. Còn Ngọc Hùng, diễn viên chính của phim, chọn một góc yên tĩnh nhẩm lại lời thoại, chăm chỉ như anh chàng sinh viên ôn thi. Gương mặt trẻ Cao Thanh Danh cũng cầm tập 14 của kịch bản đi qua đi lại “nghiên cứu” nhân vật mà mình đóng thêm một lần cuối…
Phân đoạn cảnh quay cho tập 14 bộ phim Đồng quê diễn ra trong lúc trời mưa dầm từ chập choạng đến đêm. Đạo diễn Phương Nam hết ngồi lại đứng, đi ra đi vào nhìn mưa trầm ngâm: “Chẳng lẽ đến đây… ngắm mưa rồi lại về không?”.
Cuối cùng, đạo diễn quyết định thay đổi kế hoạch, chỉ quay cảnh nội. Diễn viên Hoàng Nhân nói những “sự cố bất ngờ” do thời tiết hay vì nhiều lý do khác trên trường quay như vậy cũng là chuyện thường. Nhiều khi cả đoàn mất thời gian và vất vả lặn lội đến điểm quay nhưng cũng chỉ là công cốc.
Xong các cảnh quay ở xóm đảo Dừa Lửa cũng là lúc đã quá khuya, đoàn làm phim lặng lẽ xuôi dòng trở về trong đêm mưa suốt một đoạn sông mất 45 phút đi đò mà không một bóng người nào khác ngoài những rặng dừa thâm u và mưa gió căm căm. “Lão nông” Nguyễn Hậu đội áo mưa ngồi co ro ở góc thuyền cười hề hề: “Vầy cũng chưa gọi là vất vả gì đâu. Mấy ngày ở khu du lịch Đầm Dơi - Cần Giờ mới thấm thía cái cực khổ ở phim trường”.
Mùa mưa cũng khiến đoàn phim Đất mặn (45 tập, đã phát sóng) của đạo diễn Tường Phương khổ sở không kém. Những ngày ghi hình ở Lái Thiêu, mưa cứ xối xả triền miên. Đạo diễn quyết định tận dụng mưa để quay những cảnh “mưa thật” trong phim. Ống kính máy quay được che chắn cẩn thận nhưng anh em đoàn phim thì “ướt như chuột lột” thực hiện các phân cảnh trong mưa. Mỗi lần thấy “khổ” thì anh em lại cười động viên nhau: Cố hết sức mình vì Đất mặn.
Cực khổ vẫn yêu nghề
Không thể tả hết những gian nan, khổ cực của các đoàn làm phim nhưng đủ để cảm nhận và chia sẻ với những cống hiến lặng thầm của những người ở phía hậu trường. Trong những cuộc trò chuyện với nhau, mọi người vẫn cứ đem cái gian khổ của mình ra kể cho nhau nghe, như thể đó là những kỷ niệm vui mà như nhiều anh em làm phim thường nói: Khi theo phim rồi là không quay đầu lại, vì rồi thì có dứt ra được đâu”. Chuyên gia hóa trang Phương Thảo bộc bạch: “Biết là rất cực nhưng công việc cứ cuốn mình đi, thức sớm, về khuya, lang bạt rồi cũng quen, cũng thấm cái gian nan nhưng trên hết là vẫn thấy mình yêu nghề, muốn lặn lội theo nó mãi”. |
Kỳ tới: “Thợ đụng” phim trường
Bình luận (0)