Sách thu hồi chỉ tạo thêm “tiếng vang”, sách in vi phạm bản quyền cũng chỉ bị “đánh khẽ” và hàng loạt sách sai sót, vô bổ, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của một bộ phận độc giả trẻ vẫn nghiễm nhiên tồn tại, trở thành những sản phẩm mang lợi nhuận béo bở cho người kinh doanh.
Thiếu tiêu chí chế tài
Như thế nào là sách vượt quá ngưỡng rùng rợn kinh dị, đồi trụy khiêu dâm hay bói toán, mê tín dị đoan? Câu hỏi được những người làm sách có trách nhiệm đặt ra và không dễ có câu trả lời. Ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, trăn trở: “Trong khi nhiều tác phẩm văn học cả trong và ngoài nước bị cấm chuyển ngữ, phát hành vì bị cho rằng quá kinh dị hoặc có yếu tố sex thì những cuốn sách không hề có một chút giá trị văn học nào lại đang được bày bán tràn lan”.
Một cán bộ quản lý xuất bản cho rằng chính vì chưa có một tiêu chí nào cụ thể để đánh giá mức độ vi phạm về nội dung của tác phẩm nên nhiều công ty liên kết đã vô tư thải ra thị trường những cuốn sách không có giá trị cho văn hóa đọc nhưng có khả năng mang về doanh thu. “Lẽ ra cần phải có thêm văn bản dưới luật quy định rõ ràng, cụ thể để có thể vin vào đó mà xử phạt những đầu sách vượt ngưỡng cho phép” – ông Cao Xuân Sơn đề xuất.

Một vấn đề khiến giới làm sách đau đầu chính là tình trạng in sách vi phạm bản quyền của chính các đơn vị xuất bản “bạn”. Hai “tên tuổi” nổi bật nhất trong chuyện “mượn bản quyền không xin phép” này có thể kể đến NXB Thanh Hóa và NXB Đồng Nai với những vụ phát hiện sai phạm đình đám trong thời gian qua. Nhưng không có một trường hợp nào được xử lý mạnh đủ độ răn đe. Những trường hợp làm sách sai phạm, đến mức phải thu hồi thì NXB cũng chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; cao lắm là xử phạt hành chính. Rồi sau đó đâu lại vào đấy.
Một nhà làm sách chua chát nói: “Trong một số trường hợp NXB “đói quá làm liều” in sách vi phạm bản quyền thì mức xử phạt cũng chỉ như muối bỏ bể”.
Dễ như… mua giấy phép
Một trong những đơn vị xuất bản được độc giả tín nhiệm hàng đầu tại TPHCM là NXB Trẻ, với những tủ sách, đầu sách có giá trị ở nhiều lĩnh vực thường xuyên đến tay độc giả. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, nêu phương châm rất rõ ràng và quyết liệt của đơn vị: “Làm sách đàng hoàng”. Cùng tâm huyết làm sách cẩn trọng, ông Cao Xuân Sơn cũng khẳng định: “Giám đốc NXB có quyền rất lớn trong việc quyết định cho thực hiện hay không một đầu sách. Thật sự, NXB chỉ tạo dựng được sự bền vững cho thương hiệu khi luôn cân nhắc chọn lọc bản thảo và dám từ chối những đầu sách biết chắc là vô bổ”.
Nhưng trong cuộc chạy đua với lợi nhuận hiện nay thì không phải những người đứng đầu NXB nào cũng giữ được “thiên lương trong sáng”. Một nhà làm sách có thâm niên khẳng định: “Chuyện NXB chỉ bán giấy phép để lấy tiền của đối tác liên kết trong làng xuất bản hiện nay đã không còn lạ gì. Không chỉ là những NXB ít tên tuổi mà cả những đơn vị đã có được bề dày và ít nhiều gầy dựng được thương hiệu cũng sa vào công cuộc kinh doanh giấy phép. Có ở trong nghề mới thấy họ làm sách kinh hoàng như thế nào”.
Một trong những minh chứng cho việc làm sách “kinh hoàng” này chính là sự cẩu thả, tắc trách của chính giám đốc NXB. Bất chấp bản thảo có nội dung như thế nào, chẳng cần thẩm định, chỉ cần đặt bút “ký roẹt” vào giấy phép là đã… có tiền. “Chuyện mua giấy phép của các đơn vị liên kết đã dễ như trở bàn tay” - một cán bộ thuộc ngành xuất bản khẳng định.
Những hình phạt thiếu tính răn đe đã đưa ngành xuất bản vào cái vòng luẩn quẩn của sự dễ dãi, có làm sách kiểu nào thì cũng “sống khỏe”. Vậy thì làm sao có thể thay đổi được cục diện đang trong tình trạng hỗn độn, bát nháo của thị trường sách như hiện nay?
Kiểm duyệt lưu chiểu: Bất khả thi “Khó mà đọc duyệt nổi!” là câu ta thán của nhiều người trong giới làm sách trước câu hỏi xoáy vào trách nhiệm kiểm duyệt xuất bản phẩm qua đọc lưu chiểu của Cục Xuất bản. Chuyện đọc lưu chiểu cho đến bây giờ vẫn là vấn đề nan giải khi mỗi năm có hàng chục ngàn đầu sách được in ấn. Thống kê sơ bộ 4 đơn vị xuất bản lớn tại TPHCM: Trẻ, Kim Đồng, Tổng hợp TPHCM và Văn hóa Văn nghệ, số lượng sách đăng ký xuất bản hằng năm đã lên đến gần 10.000 bản.
Tính trung bình mỗi ngày có gần 30 đầu sách ra đời, chưa kể độ dày mỏng, thể loại thì việc đọc duyệt cũng là không xuể. Trong khi đó, cả nước có đến 61 đơn vị xuất bản (từ Trung ương đến địa phương – thống kê theo nguồn Cục Xuất bản, tính đến tháng 6-2011) với một số lượng sách khổng lồ phát hành mỗi năm.
Việc thẩm định từng cuốn một của Cục Xuất bản trong vòng 15 ngày, trước khi sách phát hành xem ra là “nhiệm vụ bất khả thi”. |
Bình luận (0)