xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hãy nói lời yêu thương

Bình An

Gia đình không chỉ là nơi ta sống, mà còn là nơi ta yêu thương và được yêu thương

Trong cuộc sống hiện đại nhiều bận rộn, đôi khi chúng ta quên đi giá trị của việc bày tỏ tình cảm với gia đình. Thậm chí những lời yêu thương bị kìm nén, không dám nói ra vì ngại ngùng hoặc những mâu thuẫn còn tồn tại.

Chân thành và thấu hiểu

Dù là người con hiếu thảo, chăm sóc mẹ chu đáo nhưng chị Thanh Hương (35 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM) thừa nhận không quen với việc nói lời yêu thương. 

"Mẹ tôi là người phụ nữ truyền thống, nghiêm khắc trong cách dạy con. Gia đình tôi không có thói quen thể hiện tình cảm qua lời nói. Cách đây một năm, chỉ vì bất đồng trong việc chăm sóc cháu, mẹ tôi giận dỗi bỏ về quê. Ban đầu, tôi nghĩ mẹ sẽ quay lại nhưng suốt 1 tháng, bà không gọi, cũng không trả lời bất kỳ cuộc điện thoại nào. Tôi buồn và lo lắng nhưng không đủ dũng khí để xin lỗi trước" - chị Hương tâm sự.

Nhận được tin mẹ nhập viện, chị tức tốc về quê. Lúc ấy, đứng trước giường bệnh của mẹ, chị mới cảm nhận sâu sắc thời gian dành cho những người thân yêu không bao giờ là đủ. Nhưng khi muốn nói câu "Con xin lỗi, con yêu mẹ", chị lại cảm thấy ngượng ngùng. "Mẹ nắm tay tôi, mỉm cười và nói: "Mẹ không giận con nữa đâu!". Chỉ vậy thôi mà tôi bật khóc. Từ đó, tôi nhận ra đôi khi sự im lặng có thể giết chết tình cảm gia đình nếu chúng ta không chủ động nói ra những điều từ trái tim" - chị Hương kể lại.

Là một người cha luôn kỳ vọng cao, muốn con trai phải nỗ lực hết mình trong học tập, anh Minh Quang (42 tuổi, ngụ quận 10, TP HCM) luôn giữ hình ảnh nghiêm khắc trong mắt con trai mình. Tuy nhiên, điều anh không nhận ra là sự nghiêm khắc ấy đã tạo ra khoảng cách lớn giữa hai cha con. "Có lần, tôi phát hiện con trai mình giấu bài kiểm tra bị điểm kém, thay vì an ủi, tôi đã nặng lời với con. Kể từ lần đó, con trai ít nói chuyện với tôi, thường lủi thủi trong phòng và tránh ánh mắt của tôi" - anh Quang chia sẻ.

Một lần, anh tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của con trai với mẹ. "Con sợ ba. Con nghĩ ba không thương con". Những lời nói ấy như một cú đánh mạnh vào trái tim anh.

"Tôi quyết định thay đổi. Tôi bắt đầu bằng việc ngồi xuống nói chuyện với con, xin lỗi vì những áp lực mình đã tạo ra. Lần đầu tiên, tôi nghe con kể về nỗi lo lắng khi bị so sánh với bạn bè, về ước mơ được học vẽ nhưng không dám nói vì sợ tôi phản đối. Sau lần đó, tôi hiểu rằng yêu thương không chỉ thể hiện qua hành động mà còn qua sự thấu hiểu và những lời nói chân thành" - anh Quang tâm sự.

Minh họa AI: Vy Thư

Minh họa AI: Vy Thư

Tạo thói quen tích cực

Gia đình chị Ngọc Hà (40 tuổi, ngụ Cần Thơ) từng rơi vào tình trạng "chiến tranh lạnh". Chồng chị thường xuyên đi công tác xa, các con mải mê với điện thoại và máy tính. Dù sống cùng một mái nhà nhưng mọi người dường như đang xa cách nhau hơn.

Một lần, chị tình cờ xem một chương trình truyền hình về việc gắn kết gia đình qua những lá thư tay. Chị quyết định thử nghiệm ý tưởng "Hộp thư yêu thương". Mỗi thành viên sẽ viết một điều gì đó tích cực hoặc cảm ơn người khác, sau đó bỏ vào hộp. Cả gia đình sẽ cùng nhau đọc vào mỗi tối thứ bảy.

"Ban đầu, mọi người khá miễn cưỡng. Nhưng khi con gái lớn đọc mẩu giấy đầu tiên: "Cám ơn mẹ vì đã luôn nấu cơm ngon", tôi thấy ánh mắt con trai nhỏ cũng sáng lên và ngay lập tức viết điều gì đó bỏ vào hộp" - chị Hà kể lại. Dần dần, việc viết thư trở thành thói quen hằng tuần. Không khí gia đình cũng trở nên ấm áp hơn.

Với chị Hoài Thu (28 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM), một bữa cơm đặc biệt cũng có thể giúp hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình. "Bố mẹ tôi thường trách em trai thiếu trách nhiệm, trong khi em tôi lại cảm thấy không được bố mẹ thấu hiểu. Tôi chọn một buổi mà mọi người đều có thể có mặt ở nhà, chuẩn bị một bữa cơm thật ngon. Trong bữa ăn, tôi khéo léo gợi ý để mỗi người có thể chia sẻ những khó khăn trong công việc, những mong muốn trong gia đình… Ban đầu, không ai nói gì nhưng khi mẹ tôi bắt đầu: "Với mẹ, hạnh phúc là khi các con mình biết quan tâm đến người khác", cả nhà như vỡ òa. Sau bữa cơm đó, mọi người đã có thể ngồi lại để giải quyết những hiểu lầm một cách nhẹ nhàng" - chị Thu cho biết.

Cũng theo chị Thu, khi một thành viên chia sẻ cảm xúc, những người còn lại nên lắng nghe chăm chú, tránh cắt ngang hoặc áp đặt ý kiến. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn giúp mọi người cảm thấy được thấu hiểu.

Đặc biệt hãy bắt đầu bằng những lời nói giản dị hằng ngày, như "Cảm ơn," "Ba mẹ tự hào về con," hay "Anh yêu em"… Những lời được nói thường xuyên sẽ tạo nên một thói quen tích cực trong gia đình.

Thực tế, thời gian không chờ đợi bất kỳ ai. Những lời yêu thương chưa nói có thể sẽ trở thành nỗi tiếc nuối lớn nhất nếu chúng ta không cất lên kịp lúc. Vì vậy, hãy dành thời gian để nói ra những lời từ trái tim ngay hôm nay, bởi gia đình không chỉ là nơi ta sống, mà còn là nơi ta yêu thương và được yêu thương. 

Lời yêu thương được cất lên sẽ giúp gia đình hòa thuận, là sợi dây gắn kết, chữa lành những rạn nứt.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo