Chiều 4-7, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thông tin về kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 (kỳ họp thứ 25). Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, chủ trì hội nghị.

Phạm Thị Thanh Mai Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chủ trì hội nghị
Tại hội nghị, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân, cho biết UBND TP đang xây dựng dự thảo nội dung về thu phí sử dụng đường bộ, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc hoặc các tuyến có sử dụng ngân sách hoặc vốn BOT. Nội dung này cũng được đưa vào chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Huân, đến thời điểm này, nội dung này chưa được đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND do cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Việc triển khai chính sách thu phí sử dụng đường bộ có tác động lớn đến đời sống người dân Thủ đô, vì vậy cần được xem xét một cách thận trọng và phải có lộ trình phù hợp. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện nội dung và trình HĐND TP Hà Nội xem xét trong kỳ họp tới"- ông Huân nói.
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thu phí sử dụng đường bộ, đặc biệt là tại các tuyến cao tốc hoặc tuyến đường sử dụng ngân sách hoặc vốn BOT.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân phát biểu tại hội nghị
Về việc phân làn giao thông tại các tuyến phố Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân, cho biết vào cuối năm 2023, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức giám sát toàn diện đối với lĩnh vực giao thông - từ đầu tư xây dựng, quản lý khai thác, đến duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng. Trong đó, nội dung phân làn giao thông được giám sát kỹ lưỡng.
Ngay sau giám sát, HĐND TP đã tiến hành chất vấn các cơ quan chức năng, và TP đã triển khai nhiều giải pháp theo hướng đó. Việc thí điểm phân làn tại một số tuyến đường, nút giao đã có kết quả tích cực, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại nhiều điểm. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của cử tri và người dân Thủ đô, vẫn cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa.
"Về nội dung mới liên quan đến giải ngân đầu tư cho giao thông, chúng tôi sẽ tham mưu để Thường trực HĐND TP tổ chức các phiên làm việc, đánh giá sơ kết và có báo cáo cụ thể. Những vấn đề liên quan đến điều chỉnh tổ chức giao thông và chi ngân sách sẽ được xem xét tại các kỳ họp tới, để đại biểu có cơ sở thảo luận, quyết định"- ông Huân nêu.
Theo dự thảo Nghị quyết phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do thành phố quản lý, các tuyến đường có thể thu phí đáp ứng điều kiện sau: Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan; hoàn thành bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; có Đề án khai thác tài sản được UBND thành phố phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Mức phí, đối tượng chịu phí, miễn phí thực hiện theo Nghị định số 130/2024 về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Phí sử dụng đường bộ cao tốc nộp vào ngân sách thành phố. Cơ quan quản lý thu được trích để lại một phần phí sử dụng đường bộ cao tốc thực thu trước khi nộp vào ngân sách Thành phố theo tỉ lệ (%) để chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.
Thời điểm thu phí được thành phố xác định "khi đáp ứng các điều kiện quy định và hoàn thành việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ, đơn vị vận hành thu".
Dự thảo không nêu đường cao tốc nào sẽ thu phí. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố có 2 tuyến đường cao tốc do Hà Nội trực tiếp quản lý gồm vành đai 3 trên cao (dài hơn 29 km) và đại lộ Thăng Long (dài 28 km). Cả 2 tuyến đều đáp ứng một phần tiêu chuẩn của đường cao tốc và đang được đánh giá khả năng áp dụng thu phí theo từng đoạn tuyến phù hợp.
Thành phố giao Sở Xây dựng xác định các tuyến, đoạn tuyến cao tốc trên địa bàn đảm bảo điều kiện thu phí. Từ đó Sở đề xuất, báo cáo việc lựa chọn cơ quan quản lý thu phí, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, đơn vị vận hành, cơ quan nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.
Bình luận (0)