Được phát hiện năm 2023, HD 110067 với trung tâm là một ngôi sao lùn cam, xung quanh là 6 hành tinh có quỹ đạo cộng hưởng hoàn hảo với nhau, đã được cho là có thể tồn tại sự sống.
Hành tinh gần sao mẹ nhất hoàn thành quỹ đạo trong 9,1 ngày Trái Đất; các hành tinh tiếp theo lần lượt có quỹ đạo 13,6 - 20,5 - 30,8 - 41 - 54,7. Như vậy, tỉ lệ cộng hưởng giữa các cặp gần nhau trong hệ thống lần lượt là 3:2, 3:2, 3:2, 4:3, 4:3.
Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Research Notes of the AAS, chính sự cộng hưởng quỹ đạo này giúp 6 hành tinh có kích cỡ gần bằng Sao Hải Vương có một môi trường ổn định qua hàng tỉ năm.
Một số hành tinh trong số đó thậm chí có dấu hiệu của nước trên bề mặt. Chúng cũng ở trạng thái ổn định, không bị xáo trộn trong ít nhất 1 tỉ năm qua, sau khi hình thành hoàn toàn quanh ngôi sao mẹ 4 tỉ năm tuổi.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Carmen Choza từ Viện SETI (Viện Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất - Mỹ) tính toán rằng sự ổn định và thời gian đó đủ để mang lại cơ hội tốt cho sự sống xuất hiện, tiến hóa và phát triển.
Thậm chí, sự sống đó đã tiến hóa đến mức độ hình thành các nền văn minh ngoài hành tinh, những người sở hữu công nghệ có thể phát hiện được từ xa.
Theo Science Alert, nhóm SETI cũng đã cố tìm kiếm tín hiệu từ công nghệ của người ngoài hành tinh trong hệ thống này bằng Đài thiên văn Green Bank (Mỹ), nhưng chưa nắm bắt được điều mong đợi.
Dù vậy, điều này không có nghĩa hệ 6 hành tinh "khiêu vũ" kia không có sự sống, bởi chính người ở Trái Đất - một hành tinh già hơn nhiều - cũng chỉ truyền được tín hiệu đi xa nhất trong khoảng cách 100 năm ánh sáng.
HD 110067 cách chúng ta 100 năm ánh sáng, nhưng có thể công nghệ của họ chưa cho phép vượt qua khoảng cách này.
Tuy vậy, nhóm tác giả cho biết họ sẽ tiếp tục tìm kiếm bằng chứng cụ thể sau khi những ước tính thông qua mô hình cho thấy khả năng cao HD 110067 chứa những thế giới có nền văn minh ngoài Trái Đất.
Bình luận (0)