Lúc 13 giờ ngày 1-10, VN-Index tiếp tục duy trì trên vùng 1.300 điểm với đà tăng tích cực từ các nhóm cổ phiếu, trong đó có các mã ngân hàng.
Các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất phải kể đến là STB, BAB, TCB, BVB, VCB, SSB… Hỗ trợ cho đà tăng của các mã được cho là nhờ thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh tích cực sắp được các ngân hàng này công bố.
Tại báo cáo dự báo kết quả kinh doanh quý III/2024 của Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa công bố, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng có nhiều điểm sáng.
Theo đó, MBS dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng quý III tăng 17%, thấp hơn so với mức tăng 20% của quý trước nhưng vẫn khả quan ở mức 2 con số. MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng quý III được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện so với quý trước khi tính đến 17-9 mức tăng đạt 7,38% nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Biên lãi ròng (NIM) trong quý III của các ngân hàng có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ so với nửa đầu năm do lãi suất tiền gửi tăng dần trong nửa cuối năm 2024. Các ngân hàng tăng cường hoạt động huy động vốn trong khi lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp và không tăng đáng kể nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
"Lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết trong quý III có thể tăng gần 17% so với cùng kỳ là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng nổi bật như HDB (+44%), TPB (+35%) nhờ tăng trưởng tín dụng cao; EIB (+70%), CTG (+40%) nhờ mức nền thấp cùng kỳ" - chuyên gia của MBS nói.
Những cái tên ngân hàng được đề cập có dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý III cao như Eximbank (EIB) tăng 70% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp của cùng kỳ, trong khi NIM duy trì tương đương với quý trước.
HDBank (HDB) có biên lãi ròng khả qua giúp ngân hàng có thêm dư đại giảm lãi suất cho vay. LPBank (LPB) lợi nhuận ròng tăng 41% nhờ mức nền thấp của năm ngoái, dự kiến được cấp thêm hạn mức sau khi tăng trưởng tín dụng đến quý II đã chạm ngưỡng 15%.
TPBank (TPB) dự báo lợi nhuận ròng tăng 35% so với cùng kỳ nhờ giảm lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu tín dụng. Ngân hàng này có thể sẽ tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng để cải thiện bộ đệm tài chính…
Về giá cổ phiếu, hiện STB của Sacombank đang ở mức 34.250 đồng, cao nhất trong 3 năm qua; TCB của Techcombank trở lại vùng đỉnh 1 năm qua quanh 24.250 đồng/cổ phiếu; ACB tiếp tục ở vùng đỉnh lịch sử quanh 26.050 đồng/cổ phiếu…
Bình luận (0)